Chuyện đeo khẩu trang nơi công cộng

Đời sống - Ngày đăng : 10:13, 24/04/2020

BT- Thường ngày mỗi lần dừng xe trước đèn đỏ, tôi có thói quen quan sát xem có trường hợp nào cố tình vượt đèn đỏ hoặc chưa có tín hiệu đèn xanh thì đã tranh thủ rồ ga. Những tháng gần đây, tôi lại quan sát chuyện đeo khẩu trang của người dân nơi công cộng tại TP. Phan Thiết.
                
Xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi    công cộng.

Khi dịch Covid-19 bắt đầu có dấu hiệu lây lan trên thế giới, ngành y tế khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi ra đường và đến những nơi công cộng. Lúc này, khẩu trang đã bắt đầu được nhiều người đeo, số lượng người đeo khẩu trang ngày càng nhiều dần; khi Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên thì việc đeo khẩu trang càng được coi trọng. Đặc biệt, sau cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu từ ngày 16/3, người dân bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng có tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... Việc bắt buộc người dân đeo khẩu trang nơi công cộng cũng giống như việc thực thi pháp luật đối với quy định đội mũ bảo hiểm tại Việt Nam. Theo đó, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; ngành chức năng đã tổ chức thực hiện nghị quyết trên, trong đó tập trung lực lượng, phương tiện kiểm tra, xử lý nghiêm việc chấp hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đối với người đi mô tô, xe gắn máy trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường. Khi Nghị quyết 32 đi vào cuộc sống cũng gặp không ít sự phản đối bởi sự bất tiện, tốn kém… tưởng chừng khó thực hiện thành công nghị quyết này. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp quyết liệt, nhiều cách làm, mô hình hay… việc thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy đã có hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội, tỷ lệ người tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe điện chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm đã được nâng lên rõ rệt, góp phần hạn chế thiệt hại về người trong các vụ tai nạn giao thông. Hình thành một thói quen văn hóa khi tham gia giao thông. Giờ đây, việc đội mũ bảo hiểm khi ra khỏi nhà với người dân trở thành một thói quen thường nhật.

Đối với việc thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng, tại Bình Thuận đa số người dân chấp hành, người dân nhận thức được lợi ích thật sự của việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Bên cạnh đó, ngành chức năng đã ra những văn bản, những chế tài xử lý nghiêm những trường hợp không đeo khẩu trang khi ra đường, nơi đông người. Tuy vậy, vẫn còn trường hợp không chấp hành, còn chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch Covid- 19. Riêng tại TP. Phan Thiết, tính từ ngày 1 - 15/4, lực lượng chức năng thành phố đã lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính 149 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, với tổng số tiền hơn 22 triệu đồng.

Quy định đeo khẩu trang nơi công cộng, trước tiên là để bảo vệ an toàn bản thân mỗi người người dân, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu sự phát tán, lây nhiễm dịch bệnh từ người khác hoặc cho người khác. Do đó mọi người cần nghiêm chỉnh chấp hành, vì chính mình và cộng đồng, bên cạnh đó cần biết sử dụng khẩu trang đúng cách, đảm bảo vệ sinh.

H. Châu