Nhớ mùa ươi bay
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:05, 01/05/2020
Rừng Tánh Linh có rất nhiều ươi, đặc biệt ở vùng rừng thác Bà, núi Ông. Rừng thác Bà mùa ươi chín, nhìn lên màu rừng thấy đỏ như ráng pha. Những quả ươi theo gió bay rụng trông giống những cánh hoa dầu xoay tít.
Mùa ươi bay, trai gái trong làng ngày nào cũng cơm nước, rựa gùi hú gọi nhau vào rừng tìm nhặt quả ươi. Dưới những gốc ươi cổ thụ tán xòe như chiếc dù khổng lồ, bọn trẻ vừa đùa nghịch, vừa bới lá tìm nhặt ươi bay. Ngày nhặt giỏi được một hai ký là mừng lắm. Xế chiều kéo nhau ra suối tắm. Suối rừng mát lạnh, trong veo trông thấy đáy. Nhiều mối tình nên thơ cũng bắt nguồn từ mùa ươi chín.
Ươi 4 năm mới cho trái chín một lần. Quả ươi vỏ mỏng, mặt ngoài khi chín màu đỏ, mở ra như một cánh để phát tán hạt bay xa, nên gọi là ươi bay. Ươi ngày ấy chủ yếu nhặt về nhà để dành ngâm uống cho mát. Một hạt ươi chín ngâm nở ra tràn cả chiếc ly uống rượu. Ươi ngâm trộn đường cát uống ngon phải biết, nếu cho thêm ít đá, cái cảm giác sảng khoái mát lạnh càng nhân lên gấp mấy lần trong cơ thể.
Những năm sau này, khi mà trái ươi được người Trung Quốc nhập khẩu và thổi giá lên liên tục, từ vài chục ngàn đồng một ký ươi bay, lên trăm rưỡi, rồi hai trăm, ba trăm ngàn đồng một ký. Cây ươi trở thành đích ngắm triệt hạ để hái trái của nhiều người.
Khi phát hiện được một cây ươi cổ thụ đang đơm hoa kết trái, người ta tranh giành chiếm đoạt, phát dọn, ăn ngủ dưới gốc ươi, chờ quả ươi vừa trở màu là cưa hạ ngay cây để hái trái mang đi bán. Một cây ươi sai quả cho vài chục ký. Thấy có lợi nhuận cao, người ta càng đổ nhau vào rừng lùng sục để “tàn sát” cây ươi. Những vụ tranh giành ngày càng quyết liệt và nước mắt của con người cũng đã chảy theo dòng nhựa máu của cây ươi.
Nhìn những rừng ươi thưa dần, tự nhiên thấy nhớ, thấy thèm quá những ngày theo bạn bè lang thang vào rừng tìm nhặt trái ươi bay!
NGÔ VĂN TUẤN