Vì sao giá thịt heo không giảm?

Kinh tế - Ngày đăng : 09:33, 06/05/2020

BT - Dù giá thịt heo được các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cam kết bán ra chỉ còn 70.000 đồng/kg, cùng với đó giải pháp tái đàn, tăng lượng thịt heo nhập khẩu nhưng giá thịt heo vẫn chưa “hạ nhiệt”…

Giá thịt heo “nóng” treo cao

Nhiều bà nội trợ vẫn hay ví von “giá thịt heo chỉ giảm trên tivi”, bởi thực tế thịt heo mua ở chợ và siêu thị giá vẫn cao chót vót. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn liên tục có nhiều chỉ đạo yêu cầu các doanh nghiệp lớn đưa giá thịt heo hơi xuống còn 70.000 đồng/kg, thậm chí là 60.000 đồng/kg. Thế nhưng, giá thịt heo trên thị trường ngược lại liên tục tăng cao vượt mốc trên 90.000 đồng/kg. So với đợt tăng giá tiếp theo vào tuần trước, ghi nhận ngày 30/4 tại các chợ ở Phan Thiết giá thịt heo có giảm nhẹ giảm chừng 3.000 đồng/kg, chính thức rời đỉnh 93.000 đồng/kg duy trì 2 tuần qua xuống giá 90.000 đồng/kg. Giá heo hơi cao đã đẩy giá thịt heo bán lẻ tại các chợ, siêu thị vẫn ở mức cao, giá thịt heo nạc, đùi các loại dao động từ 140.000  – 160.000 đồng/kg, sườn non từ 190.000 - 230.000 đồng/kg tại chợ và siêu thị…

"Giá thịt heo tăng cao do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Toàn tỉnh hiện có 45 trang trại nuôi heo, với tổng đàn heo là 201.113 con, trong đó heo thịt 134.000 con; số hộ nuôi heo khoảng 4.867 hộ với tổng đàn heo 68.187 con, trong đó heo thịt 32.800 con", Ông Nguyễn Ngọc Vấn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết.

                
      Tái đàn heo còn nhiều khó khăn

Một thương lái chợ Phú Thủy cho hay, công ty chăn nuôi họ đã giảm giá heo hơi xuống 70.000 đồng/kg, tuy vậy dù có mã code nhưng khó tiếp cận mua heo trực tiếp từ công ty mà phải “sang tay” giá chênh lệch 5.000 - 10.000 đồng/kg, nên giá heo đến tay người tiêu dùng bị đẩy lên. Còn ghi nhận tại các lò mổ heo tại Phan Thiết, thị trấn Phú Long số heo hơi mua được của công ty chăn nuôi, bạn hàng ít ỏi, số còn lại mua từ thương lái khác. Tại lò mổ của anh Phan Văn Lâm ở thôn Tiến Hòa – xã Tiến Lợi (TP. Phan Thiết) bình quân mỗi ngày mổ 40 con nay công suất giảm khoảng 30% do heo hơi khan hiếm. Đa phần số lượng heo tại các lò mổ chủ yếu lấy nguồn heo mua trong tỉnh chiếm trên 80%. Tuy nhiên, do áp lực nhu cầu thị trường nên hiện heo hơi các công ty chăn nuôi xuất bán “heo non”,  phần lớn chỉ 80 - 85 kg/con, thay vì chờ đủ 110 - 120 kg như bình thường khiến lượng heo đưa ra thị trường ít hơn. Lượng heo hơi mua được từ công ty chăn nuôi với giá tốt 70.000 đồng/kg thì rất ít. Nhiều thương lái, chủ lò mổ heo họ cho biết thêm, xu hướng hiện nay của các công ty chăn nuôi lớn họ tăng lượng bán heo dưới dạng heo mảnh (đã mổ) có lời hơn thay vì bán heo hơi với giá 70.000 đồng/kg theo cam kết của Chính phủ khiến heo hơi thiếu hụt, giá cao.

Đâu là giải pháp?

 Mặc dù đàn heo của tỉnh có dấu hiệu hồi phục chiếm phần lớn là ở các doanh nghiệp, còn lại số lượng ít ở các gia trại, hộ chăn nuôi. Để giá thịt heo giảm xuống cần khuyến khích người chăn nuôi tái đàn. Tuy nhiên, việc tái đàn gặp nhiều khó khăn do thời gian dài suy kiệt bởi ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi “cạn” vốn và e ngại dịch bệnh chưa có vắc-xin điều trị. Con giống đang khan hiếm và phụ thuộc vào các doanh nghiệp lớn. Giá heo giống hiện vào khoảng 2,5 - 3,3 triệu đồng/con (6 - 10kg) là rất cao so với trước đây. Một hộ chăn nuôi heo tại xã Thiện Nghiệp (Phan Thiết) tính toán: “Heo giống giá cao lại khó mua cộng thêm giá thành sản xuất cao như tiền cám, kháng sinh, chi phí hao hụt, tiền điện chưa tính những rủi ro khác… nên e dè tái đàn. Nếu chấp nhận giá cao trong một thời gian dài để tăng đàn khi nguồn cung tăng, giá cả chưa biết thế nào”. Đây là thực trạng chung của nhiều vùng chăn nuôi của tỉnh đã làm việc tái đàn heo chậm lại, nguồn cung từ heo từ các hộ dân vì thế cũng giảm mạnh.

Một giải pháp khác đã được tính đến là tăng cường nhập khẩu nguồn thịt heo. Số liệu của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến hết ngày 27/4, Việt Nam đã nhập được 54.000 tấn thịt heo, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, theo các chuyên gia con số này còn ít so với tổng nhu cầu nên chưa đủ sức chi phối thị trường trong nước vốn được xem là đã bị làm giá thời gian qua. Mặt khác thịt nhập khẩu chưa thể tiếp cận rộng rãi tới người tiêu dùng vì nhiều lý do, trong đó có thói quen sử dụng thịt giết mổ trong ngày. Tại tỉnh ta, sản phẩm thịt heo nhập khẩu chưa được bày bán rộng rãi tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm. Còn với các tiểu thương ở chợ không “mặn mà” bán thịt heo nhập khẩu. Trong hoàn cảnh dịch bệnh và giá thịt heo treo cao, người tiêu dùng cần phải thay đổi thói quen đa dạng thực phẩm thay thế để thích ứng việc giảm sự thiếu hụt nguồn cung. Cùng với đó, cần những chính sách hỗ trợ nông dân tái đàn heo, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo về để tăng nguồn cung; đồng thời kiểm soát chặt chẽ đảm bảo an toàn thực phẩm.

    
      LTS:  Giá thịt heo tăng cao, cùng với việc đẩy mạnh tái đàn là sự lựa   chọn thực phẩm thay thế như thịt gà, vịt, thịt heo nhập khẩu… được xem   là giải pháp hạ cơn “sốt” giá, bởi nguồn cung khan hiếm chi phối giá cả.

Thanh Duyên