Sạch từ “trang trại đến bàn ăn”
Xã hội - Ngày đăng : 09:23, 13/06/2017
Hình thành liên kết chuỗi
Chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) lại được người tiêu dùng quan tâm nhiều như hiện nay. Để tự bảo vệ mình, xu hướng chung trong tiêu thụ thực phẩm tươi sống là tìm đến những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được thực hiện theo quy trình thực hành sản xuất tốt. Mô hình chuỗi cung ứng thịt dê an toàn “từ trang trại đến bàn ăn” đáp ứng yêu cầu này. Thực hiện mô hình, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản phối hợp với Chi cục Thú y và Trung tâm y tế các huyện thực hiện đã xây dựng chuỗi kiểm soát chất lượng, ATTP thịt dê gồm: 1 cơ sở chăn nuôi, 1 cơ sở giết mổ (có trang trại chăn nuôi) và 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Ông Lê Đức Minh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản cho biết: Sau khi khảo sát, đánh giá lựa chọn cơ sở giết mổ tham gia mô hình kiểm soát chất lượng, ATTP, chi cục đã chọn cơ sở giết mổ dê Hoài Đức ở thôn 6 – xã Đức Tín, Đức Linh để kết nối thực hiện mô hình. Cơ sở giết mổ Hoài Đức có điều kiện nhà xưởng tương đối tốt, đã được Chi cục Thú y cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y. Sản lượng giết mổ khoảng 300 kg/ngày. Nguồn dê thịt cung cấp cho cơ sở giết mổ Hoài Đức được lấy từ trang trại chăn nuôi dê của cơ sở với số lượng khoảng 700 con. Ngoài ra, thu mua tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Đức Tín, huyện Đức Linh. Lượng thịt dê được tiêu thụ chủ yếu là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh và tỉnh Bình Dương. Để liên kết thành chuỗi, hộ chăn nuôi Mai Văn Sơn (thôn 9, xã Đức Tín, Đức Linh), và 3 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Thuận Nam được lựa chọn tham gia mô hình.
Để hình thành liên kết chuỗi, cơ sở giết mổ Hoài Đức được vận động và hướng dẫn đăng ký thực hiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Hộ chăn nuôi ông Mai Văn Sơn ký cam kết tuân thủ các quy định về bảo đảm ATTP và được kiểm soát chặt chẽ. Các cơ sở tham gia mô hình ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm nhằm tạo sự liên kết, hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm… Ngoài ra, cơ sở giết mổ được chi cục hỗ trợ 2 thùng chở thịt chuyên dụng có nắp đậy, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình vận chuyển. Qua thời gian thực hiện từ tháng 10/2016 đến nay đã hoàn thành chuỗi cung ứng thịt dê an toàn được kiểm soát chất lượng, ATTP “từ trang trại đến bàn ăn” với sản lượng sản xuất, tiêu thụ 150kg/ngày.
Đích đến là người tiêu dùng
Có thể thấy hiệu quả thiết thực mô hình mang lại tạo thêm cơ hội để người tiêu dùng sử dụng sản phẩm an toàn. Đồng thời khi tham gia liên kết chuỗi, cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát ATTP trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, truy xuất được nguồn gốc và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về ATTP, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Về phía người sản xuất, kinh doanh họ đã thay đổi nhận thức về hợp tác kinh doanh từ thỏa thuận bằng miệng, không có trách nhiệm cao sang hợp đồng liên kết mang tính ràng buộc, có trách nhiệm, ổn định và cùng có lợi. Mặt khác, sản phẩm thịt dê được tiêu thụ thông qua hợp đồng nên sản lượng tiêu thụ ổn định, đồng thời giúp các cơ sở tham gia chuỗi thuận lợi trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện mô hình còn khó khăn do tiêu thụ sản phẩm thịt dê còn hạn chế, nên số lượng sản phẩm kiểm soát theo chuỗi còn thấp. An toàn “từ trang trại đến bàn ăn” là mô hình cần được nhân rộng để người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm sạch theo đúng nghĩa.
Thanh Duyên