Phụ nữ học Bác làm nhiều việc tốt

Xã hội - Ngày đăng : 09:55, 14/05/2020

BT- Thời gian qua, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên, tự giác của từng cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh, với những mô hình, hành động cụ thể chứa đựng những giá trị nhân văn cao đẹp.
                
      Phụ nữ may khẩu trang phát cho hội viên nghèo chống dịch Covid-19.

 Những nghĩa cử đẹp của phụ nữ

Với suy nghĩ học Bác không ở đâu xa, mà ngay từ những việc làm giản dị trong cuộc sống hàng ngày, các cấp hội phụ nữ cơ sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đơn vị. Trong đó, chú trọng các mô hình tiết kiệm theo gương Bác, gương người tốt việc tốt, huy động sự tham gia của toàn xã hội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em nghèo, phụ nữ khó khăn. Đáng chú ý là mô hình “Áo trắng nữ sinh đến trường” của chị Phạm Thị Cúc tại chi hội 3 Phú Trinh, TP. Phan Thiết. Từ ngày thành lập năm 2016 đến nay đã tặng 30 áo dài cho nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn trị giá 18 triệu đồng. Hay như câu lạc bộ nữ hoạt động vì cộng đồng của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Phú Quý.

Không cùng một ngành nghề nhưng cả 112 chị đều có chung suy nghĩ “cho đi là còn mãi”. Dù nhiều người chưa dư giả nhưng hàng tháng, mỗi thành viên vẫn đóng 50.000 đồng làm quỹ để khi cần có thể giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Từ năm 2018 đến nay, câu lạc bộ đã hỗ trợ cho Hội LHPN huyện gần 456 triệu đồng để thăm, tặng quà cho các gia đình phụ nữ nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật, học sinh và xây dựng 2 nhà ở cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn tổ chức sinh hoạt, nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, buôn bán, qua đó hướng dẫn giúp đỡ 15 chị có ý tưởng khởi nghiệp, tham gia làm kinh tế giỏi. Hỗ trợ 3 chị với số tiền 60 triệu đồng và giới thiệu đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Có lẽ, trong khó khăn, ngặt nghèo, tinh thần nhân ái của cán bộ, hội viên, phụ nữ lại càng được nhân lên và có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đó là hình ảnh của 25 hội viên phụ nữ thuộc thôn 1, xã Phong Phú (Tuy Phong) cứ đến ngày 23 âm lịch hàng tháng lại tất bật với 400 suất cơm chay phát cho người nghèo. Là hoạt động phân loại phế liệu tái sử dụng của các chi hội phụ nữ ở Hàm Tân để gom bán giúp 73 hội viên khó khăn, mắc bệnh nan y và mua tặng 82 giỏ nhựa đi chợ cho phụ nữ nghèo…

Trong danh sách đăng ký học tập và làm theo Bác, nhiều đơn vị còn có thêm những mô hình mới, góp phần giải quyết những vấn đề nổi cộm trên địa bàn như tổ góp vốn xoay vòng, tổ phụ nữ bảo vệ môi trường, tổ văn hóa văn nghệ- thể dục thể thao, quỹ chia sẻ yêu thương, tuyến đường hoa…

 Học Bác là nhiệm vụ thường xuyên

Bà Nguyễn Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đánh giá: Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị số 05, chất lượng hoạt động của các chi hội phụ nữ trong tỉnh được đẩy mạnh và đi vào nền nếp, gắn nhiệm vụ chính trị với xây dựng hệ thống hội. Tinh thần tiết kiệm, “nhường cơm sẻ áo”, đồng hành cùng phụ nữ biên cương, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình đã và đang góp phần tích cực giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Xác định thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và xuyên suốt, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, chi hội gắn với thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Quan tâm đánh giá, duy trì, củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, việc làm tốt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện phong trào thi đua của hội. Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm “nêu gương” của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ do cấp trên giao. Đó cũng là cách thắt chặt tình đoàn kết giữa các hội viên, nâng cao uy tín, chất lượng hoạt động hội.

Thùy Linh