Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: Bình Thuận phải tính toán cân bằng nguồn nước
Kinh tế - Ngày đăng : 09:32, 26/05/2020
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Từ đầu năm đến nay, nắng nóng
diễn ra gay gắt trong phạm vi toàn tỉnh và nghiêm trọng nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Hậu quả là tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
Cụ thể, vụ đông xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh phải cắt giảm gần 14.000 ha diện tích cây trồng. Ngoài ra có 43 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ với tổng số 27.271 hộ/114.095 nhân khẩu ở khu vực nông thôn. Trước tình hình đó, tỉnh đã phổ biến sâu rộng đến nhân dân về thực trạng hạn hán, thiếu nước. Qua đó, chủ động ứng phó với tinh thần tích cực, khẩn trương, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích. Mặt khác, chủ động nạo vét kênh mương, các cửa lấy nước hồ chứa, mua bồn, xây bể chứa nước sạch trữ nước phục vụ sinh hoạt…
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc bộ, ngành đánh giá cao việc chủ động của Bình Thuận trong thực hiện các giải pháp đối phó hạn hán thời gian qua. Nhất là công tác quy hoạch thủy lợi, phát huy hệ thống kênh chuyển nước…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét thống nhất chủ trương đầu tư và hỗ trợ địa phương kinh phí đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng trong quy hoạch phát triển thủy lợi của tỉnh trong thời gian tới. Điển hình như hồ La Ngà 3; xem xét đầu tư bổ sung hệ thống kênh tưới hồ Sông Lũy, kinh phí khoảng 550 tỷ đồng để tưới cho 12.000 ha đất sản xuất nông nghiệp khu vực huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Bắc do hiện nay chưa có kênh cấp 1 để tưới…
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị thuộc bộ và địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao công tác chuẩn bị và đối phó hạn hán của Bình Thuận. Ngay từ đầu, tỉnh đã rất chủ động thực hiện các biện pháp, kể cả giãn, hoãn sản xuất mùa vụ, tính toán cân bằng nước để đảm bảo tối thiểu nhu cầu sử dụng nước. Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh phát huy được trách nhiệm quản lý nguồn nước, hệ thống nước sạch nông thôn. Ngoài ra, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch thủy lợi của tỉnh rất năng động, sáng tạo. Qua đó, chủ động đưa ra các kịch bản đối phó hạn, với những tình huống bất lợi nhất, để hạn chế tối đa thiệt hại do hạn hán.
Chỉ đạo về một số giải pháp thời gian tới để chống hạn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Bình Thuận phải tính toán cân bằng nguồn nước, bằng cách đảm bảo an ninh nguồn nước tại các hồ chứa. Mặt khác, tiếp tục tính toán tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi hợp lý cơ cấu cây trồng, sản xuất cây ngắn ngày, chuyển lúa sang cây ăn trái để giảm lượng nước tưới. Song song, rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để xác định lại nhu cầu sử dụng nước của người dân.
Thứ trưởng cũng đề ra nguyên tắc, trong bất kể tình huống nào, phải đảm bảo ưu tiên trước hết là nước sinh hoạt cho người dân, nước cho gia súc và nước cho sản xuất. Trên tinh thần đó, phải đưa ra kịch bản xấu nhất để ứng phó, phải thích nghi nhưng có kiểm soát. Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu tỉnh và các đơn vị liên quan đẩy nhanh thi công các công trình hiện có, nỗ lực cao hơn để hoàn thiện hệ thống chuyển nước. Mục tiêu đến năm 2025, cơ bản giải quyết được hạn hán ở Bình Thuận.
KiỀu HẰng