Lúng túng trong việc xử lý các hộ dân lấn chiếm đất rừng sến

Bạn đọc - Ngày đăng : 14:37, 10/06/2020

BT - Trước đây, Lâm trường Tánh Linh đã ký hợp đồng giao khoán cho cán bộ, công nhân viên chức bảo vệ rừng sến và trồng điều trên đất trống để tăng thêm thu nhập gia đình. Năm 2003, UBND huyện Tánh Linh đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện kiểm tra phát hiện 54 trường hợp lấn chiếm, sang nhượng, mua bán, xây dựng nhà trái phép trên đất rừng sến tại thị trấn Lạc Tánh. Trong đó UBND huyện đã ra quyết định xử phạt 33 trường hợp bằng hình thức phạt tiền và buộc tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trên đất lấn chiếm. Nhưng chỉ có 1 trường hợp chấp hành, còn lại 32 trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt của UBND huyện.
                
      
Các hộ dân đã lấn chiếm đất    và xây dựng nhà trái phép trên đất rừng sến tại thị trấn Lạc Tánh.

Trước tình hình đó, UBND huyện đã thành lập Tổ công tác tiến hành kiểm tra rà soát, lập hồ sơ 92 hộ dân có đất, nhà ở trong khu vực rừng sến, tăng 38 hộ dân so với năm 2003. Hiện có 85 hộ dân đã phối hợp với Tổ công tác huyện kê khai diện tích đất lấn chiếm canh tác, với diện tích 17,7 ha và xây dựng 55 căn nhà ở trên đất rừng sến. Về nguồn gốc đất chỉ có 3 hộ dân giữ nguyên đất giao khoán bảo vệ rừng sến của Lâm trường Tánh Linh, 63 hộ dân nhận chuyển nhượng đất rừng sến, với diện tích 12,5 ha đất, 10 hộ dân lấn chiếm 2,4 ha đất rừng sến và 16 hộ dân nhận tặng cho 3,56 ha đất. Tổ công tác huyện đã lập hồ sơ, tham mưu UBND huyện xử phạt 16 hộ dân về lĩnh vực đất đai, xây dựng công trình trái phép trên đất lấn chiếm. Ngoài ra, UBND thị trấn Lạc Tánh đã lập hồ sơ ra quyết định xử phạt 12 trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng nhà trái phép trên đất rừng sến và thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các trường hợp mới lấn chiếm đất.

Để có cơ sở xử lý, UBND huyện đã giao trách nhiệm cho Phòng Tư pháp huyện phối hợp với các ngành chức năng huyện, UBND thị trấn Lạc Tánh nghiên cứu áp dụng các văn bản pháp luật để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng nhà trái phép tại khu vực rừng sến. Nhưng theo ý kiến của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện thì không thể áp dụng các quy định về đất đai để xử phạt các hộ dân lấn chiếm đất tại khu vực rừng sến, vì nguồn gốc đất là do cán bộ, công nhân viên chức của Lâm trường Tánh Linh nhận khoán bảo vệ rừng sến và trồng điều trên đất trống để tăng thêm thu nhập. Đến năm 2010, UBND tỉnh ra quyết định điều chỉnh ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng khu vực đất rừng sến và giao cho địa phương quản lý, sử dụng. Từ đó đến nay việc mua bán, sang nhượng, lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đất rừng sến xảy ra rất nhiều, nhưng không xác định cụ thể đất rừng sến này là của ai. Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho rằng: Thực hiện Luật Xây dựng và Nghị định số 139/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng thì không thể xử phạt được các hộ dân xây dựng nhà trái phép trên đất lấn chiếm tại khu vực rừng sến, vì đơn vị chỉ quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Sự việc này xảy ra hơn 16 năm, nên đã hết thời hiệu để áp dụng xử phạt vi phạm hành chính. Nếu phát hiện các hành vi vi phạm tại khu vực rừng sến thì UBND thị trấn cần áp dụng các biện pháp để ngăn chặn phát sinh mới. Do đó, Phòng Tư pháp huyện đã có Công văn số 2, ngày 20/1/2020 đề nghị UBND huyện có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của các sở, ngành chức năng tỉnh để xử lý các trường hợp mua bán, sang nhượng, lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đất rừng sến tại thị trấn Lạc Tánh.

TuẤn Anh