Đổi mới phổ biến pháp luật qua hình thức trực quan sinh động
Đời sống - Ngày đăng : 09:30, 17/06/2020
Xem tiểu phẩm và thảo luận sôi nổi tại hội nghị. |
Dễ nhớ, dễ hiểu...
Gần như chưa có hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên ở cơ sở nào mà chúng tôi đi dự thấy chất lượng như Hội nghị tập huấn về công tác hòa giải ở cơ sở do Sở Tư pháp vừa tổ chức thí điểm ở 4 huyện gồm: Hàm Tân, Bắc Bình, Đức Linh và Hàm Thuận Nam. Chất lượng ở chỗ, người tham gia hội nghị là những nhà hòa giải từ khắp xã, thôn, xóm cùng báo cáo viên thảo luận, phân tích một tiểu phẩm hoặc tình huống, tìm cách hòa giải tốt nhất để ứng dụng trong cuộc sống.
Trước khi thảo luận, phân tích, các hòa giải viên xem tiểu phẩm trên máy chiếu do báo cáo viên trình chiếu. Cứ tiểu phẩm nào giải quyết dứt điểm tiểu phẩm đó, sau khi nhận xét, thảo luận, phân tích, hỏi, giải đáp, rồi mới đến tiểu phẩm khác. Suốt quá trình hội nghị xoay quanh 3 tiểu phẩm gồm: Có được chia tài sản với nội dung phân chia tài sản nhà ở; Đặt cọc liên quan việc mua bán đất đai; Bồi thường thiệt hại liên quan đến tai nạn giao thông. Nóng hơn cả là tiểu phẩm: Đặt cọc. Khi xem tiểu phẩm, các hòa giải viên đã vận dụng các văn bản có liên quan và Luật Dân sự để giải quyết vấn đề, mỗi người có cách giải quyết khác nhau. “Tiền đặt cọc mua đất đai, thường có ký kết thỏa thuận giữa 2 bên, nếu bên nào vi phạm sẽ bị bồi thường. Khi gặp trường hợp bên bán “lật kèo” bên mua, chúng tôi đưa ra hòa giải cũng giải quyết theo cách đó”, cô Trần Thanh Xuân – hòa giải viên ở xã Bình An, Bắc Bình nói về cách giải quyết của mình. Trong khi, ông Bùi Văn Hòa – hòa giải viên khác xã lại kỹ hơn, yêu cầu giấy đặt cọc phải có đầy đủ mọi thành viên trong gia đình ký và phải có chữ ký của người làm chứng, đề phòng sau này tranh chấp, dễ giải quyết. Cô Xuân cho biết, trường hợp “lật kèo” đặt cọc này đã xảy ra ở chỗ cô 2 trường hợp và phải mất nhiều thời gian mới giải quyết xong. Điển hình 1 trường hợp: Có một gia đình nợ ngân hàng, đến ngày đáo hạn không có tiền trả, gia đình này bán đất để trả nợ, khi có người đến mua, đặt cọc 50 triệu đồng. Sau đó, gia đình lấy số tiền này trả nợ ngân hàng, rồi tiếp tục vay. Có tiền trong tay, gia đình trả lại tiền đặt cọc cho người mua với đủ lý do, nhưng người mua không chịu cho rằng như vậy là vi phạm... Vụ việc đưa ra hòa giải nhiều lần, cuối cùng bên gia đình mới đồng ý trả tiền cọc và bồi thường cho người mua 5 triệu đồng.
Khi tranh luận giữa hòa giải viên với nhau tại hội nghị, nảy sinh nhiều cách giải quyết, thêm vào đó báo cáo viên bổ sung những quy định pháp luật, làm cho hòa giải viên dễ hiểu, dễ nhớ nắm vững hơn nghiệp vụ của mình. Chẳng hạn, báo cáo viên bổ sung Điều 328, Bộ luật Dân sự, đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hay một vật gì đó có giá trị trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng... Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Cuối cùng nhìn lại quá trình diễn ra hội nghị về những gì đạt và chưa đạt hoặc chưa hiểu tiếp tục giải quyết. Trao phần thưởng cho những hòa giải viên có câu hỏi hay nhất.
... nhờ đổi mới
Hầu hết các nhà hòa giải đều có nhận xét, hội nghị tập huấn lần này bằng phương pháp trực quan sinh động, hay, không ngán, không buồn ngủ, tạo khí thế, tinh thần học tập nghiêm túc, vui tươi hơn. Không như những hội nghị tập huấn trước đây, hòa giải viên được mời đến chủ yếu ngồi nghe báo cáo viên cầm tài liệu thuyết giảng, nên cảm giác nhàm chán. Khó hiểu, khó nhớ bởi kiến thức pháp luật khô khan.
Xu hướng “cầm tay chỉ việc”, thực tế vẫn hơn là lý thuyết, Sở Tư pháp hướng tới thay đổi cách thức tổ chức các hội nghị tập huấn phổ biến pháp luật phù hợp với tình hình mới. Ông Nguyễn Văn Hải – Trưởng Phòng Nghiệp vụ 3, Sở Tư pháp cho biết, đổi mới hình thức phổ biến pháp luật sẽ nâng cao được kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên, chứ theo lối cũ không còn phù hợp. Năm nay, sở tổ chức thí điểm 4 huyện, nếu thành công sẽ nhân rộng.
Hòa giải ở cơ sở nhằm ngăn chặn phát sinh điểm nóng là rất cần thiết. Vai trò của những người làm công tác hòa giải rất quan trọng, vì hơn ai hết, họ là người rất gần dân. Cần được trang bị kiến thức pháp luật để họ làm tốt công tác hòa giải, nhưng trang bị như thế nào cho dễ hiểu, dễ nhớ mới là điều đáng nói. Hội nghị tập huấn bằng phương pháp trực quan sinh động, các hòa giải viên cho rằng hay hơn là thuyết giảng.
Ninh Chinh