Ngư dân Phú Quý âu lo chuyện đánh bắt trên biển
Xã hội - Ngày đăng : 08:37, 18/07/2017
Nhiều người dân đồng tình với Chính phủ về thực hiện Quyết định 48 (hỗ trợ tiền xăng dầu cho ngư dân đánh bắt xa bờ) và Nghị định 67 về cho vay đóng, sửa chữa tàu thuyền phục vụ đánh bắt xa bờ lo âu về việc trả nợ.
Đội tàu đánh bắt xa bờ của Phú Quý. |
Cử tri Đoàn Nuôi, thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng băn khoăn về việc trả nợ vay theo Nghị định 67. Nhiều gia đình nợ hàng tỷ đồng tiền vay ngân hàng để đầu tư tàu thuyền công suất lớn, đến đánh cá tại vùng biển thuộc khu vực Trường Sa, thềm lục địa phía Nam và vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, nhiều tàu bị các nước bạn như Indonesia, Philippinnes, Thái Lan bắt giữ, tạm giam thuyền viên. Cá biệt có vài trường hợp bị Indonesia bắn đạn, phá hủy tàu cá của ngư dân Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận, huyện đảo Phú Quý nói riêng. Nguyên nhân của việc này có thể là do tàu thuyền của mình vi phạm lãnh hải, vùng đánh bắt cá truyền thống của họ; cũng có thể là việc thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam còn hạn chế về số lượng tàu cũng như tầm hoạt động nên chưa kịp thời hỗ trợ ngư dân khi đánh bắt tại các khu vực giáp ranh, các vùng biển xa bờ…
“Đóng con tàu vài ba tỷ đồng, chúng tôi luôn muốn làm ăn lâu dài để nhanh trả nợ, rồi từ đó làm kế sinh nhai. Tuy nhiên, đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm, đầu tư thêm nhiều tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển… để chúng tôi yên tâm đánh bắt xa bờ. Vì biết đâu được, mình không vi phạm vùng biển nước ngoài, rồi họ có tàu đông, thuyền lớn, họ chạy ra bắt mình rồi đưa về đất nước họ, rồi xử theo luật pháp của nước ngoài. Nếu để diễn biến này lâu dài, cộng với gánh nợ của ngân hàng, chỉ có ngư dân chúng tôi là người chịu khổ”, ông Đoàn Nuôi tâm tư.
Còn theo ông Lê Thái, Nhà nước cần quan tâm hơn đến ngư dân trong việc tuyên truyền các chủ trương đánh bắt xa bờ nhưng không vi phạm vùng đánh cá thuộc nước bạn. Các mốc giới trên biển cần được xác định rõ ràng hơn và thông tin liên tục đến ngư dân, để họ biết và thực hiện nghiêm theo luật pháp. Công tác ngoại giao, ngoại giao kinh tế của Việt Nam cũng cần giúp sức cho người đánh cá nước mình. “Hai, ba nước trên biển Đông có thể hợp tác với nhau, tạo ra môi trường đánh bắt linh động theo mùa, để ngư dân các nước cùng làm ăn. Điều này vừa giúp các hiện tượng xung đột lợi ích đánh bắt không có cớ hình thành, vừa giảm được lực lượng chấp pháp trên biển, vốn đang là điều khó khăn của nước ta tại các vùng đánh cá xa bờ như Trường Sa, Hoàng Sa, thềm lục địa phía Nam…
Một ngư dân khác của xã Tam Thanh thì cho rằng: Huyện Phú Quý cũng như các nơi khác cần rà soát lại, làm kỹ hơn các đối tượng thuộc diện ưu tiên của Nghị định 67. Vì nhiều hộ gia đình làm ăn rất ẩu, làm hồ sơ vay nhưng không toàn tâm toàn ý với nghề đánh bắt cá xa bờ. Cá biệt có hộ liên kết sản xuất “ngầm” với các cơ sở nước ngoài, thực hiện trao đổi, giao thương hàng hóa ngay trên biển, với chủng loại hàng rất lớn, đa dạng về chủng loại và chưa rõ nguồn gốc, có an toàn vệ sinh hay không? Mong các cấp kiểm tra thật kỹ, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp này, để vốn vay đến được tay những ngư dân làm ăn chân chính.
Những tâm tư, nguyện vọng trên của ngư dân được ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, xác nhận là có, phù hợp với thực tế. Hiện toàn huyện có 1.392 tàu/228.827 CV, trong đó có 498 chiếc trên 90CV có thể đánh bắt xa bờ. Có 67 thuyền được đóng mới theo Nghị định 67, tổng giải ngân đạt 450 tỷ đồng. Nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ tại vùng chồng lấn (giữa các nước) trong khu vực vĩ tuyến 7, thường xuyên bị tàu nước ngoài vây bắt, điều kiện kinh doanh khó khăn. Vì vậy mà điều bà con ngư dân lo lắng là chính đáng.
Những ý kiến của ngư dân đã được Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận ghi nhận, sẽ trình các cấp, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và lực lượng Kiểm ngư trong thời gian sớm nhất.
Đ. Hậu