Phan Thiết: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích, thắng cảnh phục vụ du lịch

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:42, 29/06/2020

BT- Di tích, thắng cảnh là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước, là sự kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa là việc làm quan trọng, góp phần đưa hình ảnh quê hương, con người xứ biển Bình Thuận đến với bạn bè quốc tế.
                
      Vẻ đẹp thắng cảnh Suối Tiên. Ảnh: Ngọc Lân.

Sự kiện đón nhận quyết định di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú và bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với thắng cảnh Suối Tiên và thắng cảnh Đồi Cát Bay vừa diễn ra trong tháng 6/2020, là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với chính quyền và nhân dân TP. Phan Thiết. Khẳng định sự trường tồn theo thời gian của các lễ hội, di tích và cũng là cơ sở để Phan Thiết tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá điểm đến, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa địa phương.

Vạn Thủy Tú được tạo lập năm 1762, là nơi thờ Thủy Tổ ngư nghiệp của ngư dân vùng biển Phan Thiết. Nơi đây lưu giữ hơn 100 bộ xương cốt cá ông lớn có niên đại lâu đời. Bên cạnh thờ cúng, hàng năm vạn thường xuyên thực hiện các nghi lễ, lễ hội gắn với tín ngưỡng ngư nghiệp, nổi bật là lễ hội Cầu ngư. Không chỉ mang đầy đủ đặc trưng, diện mạo, yếu tố văn hóa biển trong dòng chảy văn hóa khu vực, mà lễ hội còn có sự sáng tạo, bồi đắp thêm cho phù hợp với môi trường tự nhiên, xã hội nơi đây như lễ tiên thường, nghi lễ nghệ sắc, khai kinh thỉnh chư vị thủy thần và tiền hiền, thỉnh nhập điện và cầu siêu cho chư vị hương linh, phóng sanh, phóng đăng, cầu quốc thái dân an, khai xá thuyền rồng… Ngoài phần lễ là phần hội với hoạt động diễn xướng bả trạo, hát bội. Các nghi lễ mang đậm giá trị văn hóa, hướng con người về nguồn cội, đến với những giá trị truyền thống tốt đẹp để ngư dân gửi gắm khát vọng, niềm tin vào sự bao bọc, chở che của thần Nam hải trong nghề đánh bắt hải sản.

Còn thắng cảnh Đồi Cát Bay và Suối Tiên chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử hình thành địa chất, địa mạo, mang đặc trưng của vùng đất Bình Thuận nói riêng và vùng duyên hải Nam Trung bộ nói chung. Nơi đây có thể kết hợp giữa hoạt động du lịch sinh thái, tham quan, khám phá, nghỉ dưỡng với các hoạt động mang tính nghệ thuật.

Theo Phòng Văn hóa Thông tin TP. Phan Thiết: Ngoài 3 di tích, thắng cảnh nói trên, thì trên địa bàn Phan Thiết đã có 8 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 15 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trong đó nhiều di tích là môi trường giáo dục, nhắc nhở các thế hệ về truyền thống lịch sử dân tộc. Tiêu biểu như di tích lịch sử văn hóa Trường Dục Thanh, mộ Nguyễn Thông, Tháp nước Phan Thiết. Vì thế, thời gian qua, ngành văn hóa thông tin đã chú trọng phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ, phát huy và quảng bá giá trị tốt đẹp của các di tích, điểm đến. Đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội. Nhờ vậy nhiều di tích trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Để đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch lợi thế, đặc biệt là phát huy giá trị 3 điểm đến mà quốc gia và tỉnh vừa công nhận, ông Võ Thành Huy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND TP. Phan Thiết tập trung củng cố, kiện toàn ban quản lý các di tích và sớm ban hành quy chế hoạt động theo quy định Luật Di sản văn hóa. Xây dựng phương án bảo vệ và phát huy giá trị di tích, thắng cảnh theo hướng gìn giữ tối đa các yếu tố nguyên gốc về cảnh quan, môi trường tự nhiên, sinh thái vốn có. Tăng cường truyền thông, quảng bá nét độc đáo các danh thắng và nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác bảo vệ di sản. Cùng với đó khôi phục lại nghi lễ Nghinh Ông Sanh ngoài biển và trò chơi dân gian phù hợp với nghề biển để thu hút các thành phần ngư dân và du khách tham gia…

Thùy Linh