Xích Nghiêm – người con tiêu biểu của làng Chăm
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 09:43, 30/06/2020
Ấn tượng đầu tiên khi gặp Nghiêm là anh có một đôi mắt rất đặc biệt, một đôi mắt rất điển hình của người Chăm, nhìn vào đôi mắt sâu nhưng không kém phần cương nghị, người đối diện phần nào sẽ cảm nhận được sự nhiệt huyết cũng như tính cách của chủ nhân đôi mắt ấy. Biết Nghiêm đã lâu nhưng mãi đến khi gặp lại anh vào dịp tôn vinh những thanh niên dân tộc, tôn giáo tiêu biểu năm 2020 do Tỉnh đoàn tổ chức mới đây, tôi mới thật sự ấn tượng về những thành tích cũng như những điều mà chàng trai trẻ người Chăm ấy đã và đang kỳ vọng về dân tộc mình.
Nghiêm sinh ra trong một gia đình Chăm giàu truyền thống với 8 anh chị em, ba của Nghiêm hiện đang là Sư cả Thánh đường Thanh Kiết - Phó Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh. Kế thừa truyền thống của gia đình, các anh chị em của Nghiêm hầu hết là đảng viên và đang phục vụ tại các cơ quan, ban ngành trong tỉnh. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành công tác xã hội - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM vào năm 2012, Nghiêm về công tác tại Chương trình phát triển Vùng Hàm Thuận Bắc, sau đó là Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ. Dù ở cương vị công tác nào, Nghiêm cũng luôn phát huy vai trò sức trẻ, nhiệt huyết, sự năng động tuổi trẻ trên mọi lĩnh vực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong thời gian công tác tại Ban Tôn giáo, người thanh niên Chăm ấy đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo. 5 năm liền anh đều có các sáng kiến kinh nghiệm liên quan đến quản lý dân tộc, tôn giáo được Hội đồng sáng kiến Sở Nội vụ công nhận.
Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, Nghiêm còn hoàn thành xuất sắc vai trò là một cán bộđoàn năng nổ, nhiệt huyết. Với cương vị Bí thư Chi đoàn Sở Nội vụ, Nghiêm đã đồng hành cùng các đoàn viên tham gia và đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện như mùa hè xanh, hiến màu tình nguyện, về nguồn… theo đúng tinh thần của tuổi trẻ “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Nhờ đó, cá nhân Nghiêm nói riêng và Chi đoàn Sở Nội vụ nói chung đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận trong phong trào đoàn thời gian qua. Với những nỗ lực cống hiến cho công tác dân tộc và tôn giáo trong cộng đồng Chăm, vừa qua anh đã được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại địa phương giai đoạn 2014 - 2019. Dù Nghiêm rất khiêm tốn khi nói về bản thân, về những điều mong mỏi làm được cho cộng đồng, nhưng tôi hiểu món quà tinh thần ấy là phần thưởng xứng đáng để ghi nhận những nỗ lực hướng về cộng đồng Chăm của chàng trai ấy.
Là người con sinh ra và lớn lên ở làng Chăm Thanh Kiết, Nghiêm luôn tự nhắc nhở bản thân và những bạn bè của mình phải hướng về cội nguồn, về dân tộc mình. Anh và gia đình luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương, cũng như tuyên truyền, vận động bà con, các chức sắc, chức việc tín đồ và các tổ chức tôn giáo tại làng Chăm quê anh thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính quyền địa phương. Trò chuyện với tôi, Nghiêm luôn đau đáu về làng Chăm quê anh với nhiều nỗi lo, bởi bên cạnh những đổi thay, phát triển về kinh tế, cơ sở vật chất thì đời sống văn hóa tinh thần của người Chăm cũng có nhiều thay đổi, lo lắng văn hóa Chăm sẽ mai một, hòa nhập dần. Tuy nhiên, điều khiến anh tâm đắc nhất hiện nay là giới trẻ Chăm đang có xu hướng quay về với văn hóa của chính dân tộc mình. Điển hình là trong các dịp đám cưới, lễ lạc quan trọng, thay vì ưa chuộng các bộ vest, váy cưới hiện đại, các em đã bắt đầu có ý thức lựa chọn khoác lên mình bộ y phục cưới của dân tộc mình…
Xuyên suốt buổi trò chuyện, tôi thật sự ấn tượng về tấm lòng mà chàng trai trẻ ấy luôn hướng đến cộng đồng dân tộc mình. Điều đó thể hiện rõ ở sự trăn trở của Nghiêm khi kết thúc câu chuyện với tôi, Nghiêm chỉ có một mong muốn duy nhất là trong tương lai, giới trẻ Chăm cần phải cố gắng học tập và sử dụng thuần thục tiếng mẹ đẻ của mình. Theo chia sẻ của Nghiêm, nhiều bạn trẻ người Chăm hiện không còn tha thiết với tiếng Chăm, cho nên việc nói và viết tiếng mẹ đẻ còn khó khăn… Bởi theo Nghiêm: “Nếu như tiếng nói và ngôn ngữ của một dân tộc bị mất thì dân tộc ấy sẽ không còn nữa”.
HỒng Trinh