Xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp

Kinh tế - Ngày đăng : 09:11, 14/07/2020

BTO- Chỉ trong 2 năm xuất hiện, sâu keo mùa thu đã gây hại hàng triệu ha bắp và lúa của bà con nông dân, làm suy giảm năng suất nghiêm trọng trên địa bàn cả nước. Theo các nhà khoa học, sâu keo có thể gây hại trên 80 loại cây trồng. Thời điểm này, nhiều diện tích bắp của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đang bị loài sâu này gây hại.

Hơn 1 ha bắp của gia đình bà Nguyễn Thị Hải thôn 1, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam đang phát triển rất tốt thì phát hiện sâu keo mùa thu. Bà cùng những người thân trong gia đình đã tập trung xịt thuốc, thậm chí xịt cả ban đêm. Tuy nhiên chỉ hơn 1 tuần sau khi phát hiện, vườn bắp tan nát như vừa trải qua trận mưa đá. Theo đó, toàn bộ diện tích bắp, gia đình bà Hải phải phá bỏ, cày lại đất, xử lý mầm bệnh và chuẩn bị xuống lại đợt giống khác.


Không chỉ ruộng bắp của gia đình bà  Hải bị sâu tấn công mà hơn 65ha bắp của bà con nông dân ở xã Hàm Cần cũng đã bị sâu keo gây hại. Chính quyền địa phương cho biết: Mật độ sâu trung bình từ 4 -8 con/m2, tỷ lệ lá bị sâu gây hại từ 50% trở lên. Sâu keo mùa thu gây hại cây bắp bằng cách cắn phá làm lá bị thủng hoặc chui vào nõn cắn nát chồi non phá hủy khả phát triển của cây. Ngoài ra loại sâu này cũng đã đục vào phần hạt làm giảm năng suất và chất lượng của trái bắp. Bị sâu gây hại, người nông dân trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, sâu keo mùa thu là loài sâu gây hại chủ yếu trên cây bắp, chúng thường ăn lá, thân và có tính gối lứa cao, con trưởng thành có khả năng sinh sản kéo dài từ 31 - 3.216 quả trứng. Vụ hè thu năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống bắp trể hơn so với các năm, tập trung ở các địa phương như: Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi và Bắc Bình … Qua kiểm tra và đánh giá, nếu như năm trước khi cây bắp được 7 -8 lá thì xuất hiện sâu keo, thì năm nay sâu keo mùa thu gây hại sớm hơn, bắp bắt đầu khoảng từ 2 -3 lá thì sâu đã gây hại. Thực trạng trên đã làm giảm năng suất từ 60 - 80%, thậm chí mất trắng. Nhằm hạn chế tốc độ lây lan, cũng như giảm thiểu thiệt hại của sâu, Chi cục đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích bắp bị nhiễm sâu; các địa phương cũng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức mở lớp tập huấn, thường xuyên cập nhật thông tin sâu keo mùa thu, tác hại cũng như các biện pháp phòng đến người dân.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận cũng lưu ý, đối với diện tích bắp chưa bị sâu bệnh, bà con không nên chủ quan. Theo đó, phải thường xuyên ra đồng kiểm tra, làm sạch cỏ và chủ động phun thuốc phòng trừ nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do sâu keo mùa thu gây ra.

Thanh Nhàn – Ngọc Lân