Tháp nước Phan Thiết, biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Lào

Xã hội - Ngày đăng : 09:03, 20/07/2017

BT- Hai nước Việt Nam – Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962 và ký kết Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/7/1977. Đây là những sự kiện lịch sử trọng đại, dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc Việt - Lào. Ở Phan Thiết, có một biểu tượng còn lâu hơn tình hữu nghị 55 năm ấy, minh chứng cho sự trường tồn của tình bạn, tình đoàn kết của 2 đất nước, đó là Tháp nước Phan Thiết.
                
      
   Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng (bìa trái)    tiếp đoàn của Bộ Thông tin, Văn hóa & Du lịch và Hội Nhà báo Lào.

Nhắc đến Phan Thiết, ngoài việc nghỉ dưỡng ở “thiên đường” biển Hàm Tiến – Mũi Né, du khách còn tận hưởng vị thơm mặn ngọt của nước mắm cá cơm, chiêm ngưỡng những bãi cát đỏ, vàng, trắng đẹp diệu kỳ qua từng khung giờ… và Tháp nước Phan Thiết.

Nằm bên dòng sông Cà Ty thơ mộng, Tháp nước Phan Thiết (Château d’eau) là một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo do kiến trúc sư trưởng Khu Công chánh Nha Trang, người Lào thiết kế. Ông là Hoàng thân Souphanouvong (1909-1995), nguyên Chủ tịch nước CHDCND Lào.

Tháp có chiều cao từ nền lên đỉnh là 32m, chia thành 2 phần. Phần lầu đài (bồn nước) hình bát giác, cao 5m, đường kính 9m. Phần dưới của tháp là kiến trúc hình trụ bát giác dưới to, trên nhỏ cao 22m, có đường kính chân tháp là 10m. Nóc của lầu đài có 3 tầng mái che hình bát giác lợp bằng ngói móc. Tháp do nhà thầu Ưng Du thi công từ năm 1928 đến 1934 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp nước cho toàn vùng đô thị Phan Thiết. Tháp nước đến nay vẫn sừng sững như tòa “pháo đài” kiên cố.

                
   Tháp nước Phan Thiết, biểu tượng của tình    hữu nghị Việt – Lào.

Tháp nước Phan Thiết còn độc đáo hơn bởi dòng chữ “U.E.PT” (viết tắt chữ “Unise Des Eaux de Phan Thiet” - Nhà máy nước Phan Thiết) bao quanh tháp, được ghép bằng những mảnh chén sứ kiểu theo lối viết chữ hình tròn, nhìn từ xa luôn lấp lánh trong ánh nắng miền biển.

Với tuổi đời 83 năm, Tháp nước Phan Thiết vẫn hiên ngang, lịch lãm đứng bên bờ sông Cà Ty, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử nơi này. Tháp nước ngày nay đã không còn tích nước nữa, giờ nó trở thành một điểm tham quan du lịch của Phan Thiết.

Để tận dụng diện tích xung quanh của tháp và cảnh quan dọc bờ sông, nhiều dự án bảo vệ, bảo tồn, trùng tu Tháp nước Phan Thiết đã được thực hiện. Ngót hơn 83 tuổi đời, đây là biểu tượng bất khuất của người dân Phan Thiết nói riêng, Thuận Hải – Bình Thuận nói chung và là dấu tích ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân Lào tại Việt Nam, thể hiện mối thâm tình, bang giao, hữu nghị đặc biệt, thủy chung, son sắt một lòng của nhân dân 2 nước “tựa lưng dãy Trường Sơn, uống chung dòng Mê Kông”.

Trong chuyến thăm và làm việc ngày 19/10/2016, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, Chủ tịch Hội Nhà báo Lào Savankhone Razmountry đã rất ấn tượng về những vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Bình Thuận. Đặc biệt ông đánh giá cao việc Bình Thuận đã và đang duy trì các công trình mang tính biểu tượng của địa phương, trong đó Tháp nước Phan Thiết là một ví dụ điển hình. “Đây không chỉ đơn giản là biểu tượng của Bình Thuận, nó còn là dấu ấn kiến trức đặc trưng được người Lào, do chính Hoàng thân Souphanouvong đặt bút vẽ. Công trình biểu hiện cho nét đặc trưng, dáng hình vút cao, vững vàng như con người Bình Thuận, vốn chịu nhiều khó khăn về khí hậu, thổ nhưỡng, nhưng lại chịu thương, chịu khó trong làm ăn, vui vẻ, hiền hòa, thẳng thắn trong đời sống văn hóa”. Thứ trưởng Savankhone Razmountry phát biểu cảm nhận; và ông cũng cam kết sẽ tăng cường  việc tuyên truyền thông tin, quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Bình Thuận đến với cộng đồng các bộ tộc Lào, từ đó thúc đẩy các hợp tác kinh tế, văn hóa, du lịch giữa hai nước anh em Lào – Việt Nam.

Hiện ngành du lịch Bình Thuận đưa tháp nước vào danh mục giới thiệu rộng rãi về một công trình hữu nghị độc đáo, thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt - Lào anh em. Tuy nhiên, để phát huy hết các lợi ích của công trình, ngành và Tp. Phan Thiết cần nghiên cứu thêm các phương án đảm bảo môi trường vệ sinh, xây dựng các khu triển lãm, nhà trưng bày, bảo tàng nhỏ, trưng bày các hiện vật, tư liệu, hình ảnh của quá trình xây dựng tháp… nhằm giới thiệu cho du khách về Tháp nước Phan Thiết.

Đình HẬu