Nhớ thủ trưởng - nhà báo Lương Sơn!
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:30, 23/07/2020
Nhà báo Lương Sơn (người đứng giữa) chủ hôn trong đám cưới của nhà báo Huỳnh Thanh. ảnh: N.Lân |
Lần cuối cùng gặp ông là chiều giáp Tết Canh Tý, tại nhà riêng số 61 - Thủ Khoa Huân, TP. Phan Thiết. Tôi đại diện Ban Biên tập đến thăm, tặng quà chúc tết ông - nguyên Tổng Biên tập báo Bình Thuận nhân dịp đón mừng xuân mới. Mặc dù phải ngồi trên xe lăn do tuổi cao sức yếu, chung sống với bệnh tật từ nhiều năm nay, nhưng sắc diện ông khá tươi tỉnh, quần áo chỉn chu, nói chuyện từ tốn vốn như phong cách xưa nay của ông. Ông hỏi thăm tình hình cơ quan báo, hỏi thăm một số anh em nhà báo cũ từ thời ông làm tổng biên tập. Nhiều chuyện đã hỏi rồi, chốc lát ông lại hỏi nữa, tuổi tác, bệnh tật đã làm suy giảm đáng kể trí nhớ của ông lão 90 tuổi. Thế nhưng qua việc hỏi và sự nhớ nhớ, quên quên đó cũng thể hiện rõ cái tình của một thủ trưởng đối với cơ quan cũ! Mới đó, mà có ai ngờ giờ thì phải tiễn biệt ông đi xa.
Nhà báo Lương Sơn, sinh quán tại phường Đức Nghĩa, Phan Thiết, đang tuổi học sinh thì giác ngộ cách mạng và ông đã gác bút nghiên thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, làm cán bộ tuyên huấn của quân đội. Sau 1975 ông về Nam công tác. Năm 1984 từ Ban Tuyên giáo Thuận Hải ông được Tỉnh ủy phân công về làm Tổng Biên tập báo Thuận Hải, đến năm 1992 chia tách tỉnh đổi tên thành báo Bình Thuận. Năm 1995, ông được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Tổng Biên tập báo Bình Thuận thêm 1 năm nữa. Tính ra ông có thời gian làm báo từ Thuận Hải đến Bình Thuận trên cương vị Tổng Biên tập 12 năm, một thời gian không phải ngắn và đã đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng và phát triển của báo Bình Thuận.
Đối với anh em báo chí của báo Thuận Hải đến báo Bình Thuận, ông là một Tổng Biên tập khá nghiêm khắc. Mà cũng nhờ sự nghiêm khắc, cộng bản lĩnh của người lính đi qua 2 mùa kháng chiến mà ông đã lập lại sự đoàn kết, tạo sự ổn định cho báo Thuận Hải vào những năm giữa thập niên 1980. Thời đó chúng tôi không (hoặc rất ít) gọi ông là Tổng Biên tập mà thường gọi là Thủ trưởng, bởi một thời gian dài Ban Biên tập chỉ có mỗi mình ông. Trong các đời tổng biên tập, ông là người ký quyết định chuyển công tác cán bộ, phóng viên nhiều nhất, kể cả cho chuyển, buộc chuyển công tác, cho nghỉ việc. Nhờ cương quyết trong công tác tổ chức đó mà ông đã tạo cho cơ quan báo sự ổn định mà các đời tổng biên tập trước đó không làm được. Ông còn có nhiều chủ trương, để lại nhiều kỷ niệm với anh em báo chí thuộc cấp của ông nhất là trong rèn luyện phóng viên. Hồi đó phương tiện giao thông đi lại còn nhiều hạn chế, tỉnh Thuận Hải lại rộng lớn, phóng viên đi công tác cơ sở, thực tế lấy tư liệu viết tin bài gặp không ít khó khăn, tiếp nhận thông tin chậm... Để khắc phục khó khăn trên, tăng cường công tác bám địa bàn, nắm bắt tin tức kịp thời, Tổng Biên tập Lương Sơn đã đưa ra chủ trương phân công phóng viên thường trú tại các huyện, thị trong tỉnh. Các nhà báo Mai Ty, Bảo Kim thường trú Phan Rang (sau này cả 2 anh đều trưởng thành, giữ cương vị Tổng và Phó Tổng Biên tập báo Ninh Thuận). Nhà báo Phương Đại thường trú Bắc Bình, Tuy Phong, sau này tôi thay anh Đại để thường trú 2 địa bàn trên. Các nhà báo Hà Thanh Tú thường trú Hàm Tân (cũ), Lương Duy Cường thường trú Đức Linh, Tánh Linh. Trần Hoài Ngọc, Thái Sơn Ngọc, Ngọc Tuấn thường trú Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc… Mỗi tháng phóng viên thường trú về họp cơ quan 1 lần để sinh hoạt nghiệp vụ. Những phóng viên còn lại ở Phan Thiết được phân theo ngành: nhà báo Duy Chiến (đã mất) phụ trách ngành nông, lâm, thủy lợi; nhà báo Đặng Dũng phụ trách các ngành thuộc khối phân phối lưu thông như ngân hàng, thương mại, thuế…. Nhờ chủ trương thường trú mà phóng viên bám sát được địa bàn, giải quyết được việc đưa thông tin ở cơ sở, địa phương được nhanh hơn, chính xác hơn. Chủ trương trên rất được lãnh đạo các địa phương đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ.
Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nghề báo khá nghèo, sự nghèo đó được xã hội “ưu ái” tặng cho câu vè “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà đài bốn nhà cộng lại bằng hai nhà nghèo”. Anh em báo địa phương ở tỉnh nghèo như báo Bình Thuận còn nghèo hơn. Có lần trong cuộc vui rượu gạo, anh em ngồi than nghèo tố khổ, một phóng viên than: Viết một bài phóng sự điều tra cực nhọc cả tuần lễ mà nhuận bút không mua nổi ký thịt heo, chắc phải bỏ nghề. Chuyện tới tai Tổng Biên tập Lương Sơn, kỳ họp tháng đó ông phê bình rồi động viên anh em phóng viên cố gắng viết nhiều tin bài để tăng thu nhập. Ngay sau buổi họp đó, ông bàn với công đoàn báo, mở hướng liên kết với Xí nghiệp nước mắm Phan Thiết tổ chức sản xuất nước mắm để cải thiện đời sống mọi người trong cơ quan. Mọi việc thuận lợi, xí nghiệp cho mượn nhà lều, chịu trách nhiệm kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Công đoàn báo góp vốn mua cá, mua muối. Ai không có tiền thì góp công xúc cá, xúc muối ướp chượp ủ nước mắm. Nhà báo cải thiện đời sống bằng nghề làm nước mắm, nghe kể ai cũng cười, vậy mà nhờ đó anh em cơ quan cũng được một khoản thu nhập đáng kể. Nhắc lại để ghi nhận sự quan tâm của thủ trưởng Lương Sơn trong việc chăm lo đời sống cán bộ, phóng viên, nhân viên cơ quan báo.
Như đã nói, trong 12 năm làm Tổng Biên tập, công lao đóng góp của thủ trưởng- nhà báo Lương Sơn trong xây dựng và phát triển báo Bình Thuận là không nhỏ, nhất là trong rèn luyện, đào tạo đội ngũ những người làm báo Đảng. Kỷ niệm của ông đối với cơ quan báo, với anh em nhà báo chúng tôi cũng không ít. Trong khuôn khổ bài báo này khó mà kể ra hết được, chỉ xin viết đôi dòng để tiễn biệt ông - một thủ trưởng đáng kính.
HuỲnh Thanh