Xử lý rác thải còn nhiều bất cập
Đời sống - Ngày đăng : 09:56, 06/08/2020
Bãi rác thải Bình Tú tại xã Tiến Thành, Phan Thiết đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |
Dự án xử lý rác được đầu tư
Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn theo đúng chức năng thẩm quyền được giao.
Thông qua các chính sách kêu gọi đầu tư, một số doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt, như: Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và sản xuất phân hữu cơ Đa Lộc tại xã Tân Bình, thị xã La Gi của Công ty CP TMĐT Đa Lộc, có công suất 200 tấn rác/ngày, diện tích sử dụng đất 30 ha, với kinh phí 150 tỷ đồng đã đưa vào hoạt động. Nhà máy rác Nhật Hoàng tại xã Tiến Thành, Phan Thiết của Công ty TNHH Nhật Hoàng đang xây dựng có công suất 400 tấn rác/ngày, diện tích sử dụng đất trên 20 ha, với kinh phí 495,54 tỷ đồng. Nhà máy xử lý rác Bá Phát tại xã Gia Huynh, Tánh Linh của Công ty TNHH Môi trường Bá Phát đã xây dựng sắp hoàn thành, có công suất 85 tấn rác/ngày, với kinh phí 105 tỷ đồng. Có 3 dự án xử lý rác thải đang triển khai hồ sơ thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng tại Đức Linh, Phú Quý, Hàm Thuận Bắc. Các địa phương còn lại rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp phù hợp với quy hoạch quản lý chất thải rắn. Cụ thể có 15 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại các địa phương được giao cho Ban Quản lý công trình công cộng huyện quản lý và thực hiện theo quy trình chôn lấp, đốt, chưa đảm bảo các quy chuẩn môi trường.
Hạn chế xử lý rác y tế
Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh khoảng 1.485 tấn/ngày đêm, với tỷ lệ thu gom đạt 63,76% và chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn khoảng 560 tấn/ngày, với tỷ lệ thu gom đạt 58,6%. Toàn tỉnh hiện có 152 cơ sở y tế, với chất thải rắn y tế khoảng 260 tấn/năm, nhưng chỉ có 12 cơ sở khám chữa bệnh được đầu tư lò đốt rác thải rắn y tế. Các lò đốt xây dựng xong lại không hoạt động, do bị hư hỏng, tốn nhiên liệu, rác thải đốt không tiêu hủy hết, phát sinh khói đen, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Có 15 bệnh viện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã ký hợp đồng với các công ty có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế. Các trung tâm y tế huyện, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế thu gom, xử lý chất thải y tế bằng cách đốt trong lò đốt thủ công và chôn lấp sau khi xử lý.
Hệ thống xử lý chất thải y tế từ dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện của Bộ Y tế tại 4 bệnh viện đã đi vào hoạt động, gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viên đa khoa khu vực phía Nam, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận, Bệnh viện đa khoa khu vực thị xã La Gi. Chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sẽ được thu gom, xử lý tại 4 bệnh viện trên theo mô hình cụm. Hiện Sở Tài nguyên - Môi trường cùng với Sở Tài chính đang rà soát trình UBND tỉnh ban hành đơn giá, phương thức thu gom, xử lý tạm thời rác thải y tế theo mô hình cụm. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 1.400 cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh thường xuyên phát sinh chất thải nguy hại, với khối lượng chất thải phát sinh khoảng 1.250 tấn/năm và được xử lý tiêu hủy 1.125 tấn, đạt 90%.
Hầu hết các chủ nguồn thải chất thải nguy hại đã thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý chất thải nguy hại. Một số cơ sở nhỏ lưu chứa chất thải nguy hại còn kéo dài, chưa thực hiện đúng theo tần suất chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có chức năng thu gom xử lý. Phương pháp xử lý chất thải rắn hiện nay ở tỉnh ta chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh, nên các bãi rác đang quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân hiện đang là mối lo cần tháo gỡ.
TuẤn Anh