Ðồng bào Chăm, Rắc Lây và K’ho phòng dịch Covid-19

Đời sống - Ngày đăng : 10:15, 07/08/2020

BT- Những ngày này khi mà làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 xuất hiện ở một số địa phương, cụ thể là Đà Nẵng, Quảng Nam, chúng tôi trở lại 2  nơi có đồng bào Chăm, Rắc Lây và K’ho sinh sống để tìm hiểu cách thức đồng bào phòng, chống dịch Covid-19 như thế nào?
                
      
   Lễ cúng dinh Cậu hàng năm của đồng bào    Chăm Tân Thuận (ảnh) như thế này sẽ được làng Chăm dời sang các    tháng không có dịch Covid-19.

Tại thôn Hiệp Nghĩa (xã Tân Thuận, Hàm Thuận Nam) chúng tôi trò chuyện với ông Thông Minh Tìm, người có trách nhiệm quản lý về mặt tín ngưỡng của cộng đồng Chăm trong xã Tân Thuận (gọi nôm na là làng Chăm) cho hay, tính đến tháng 7/2020, Tân Thuận có 310 hộ người Chăm, tăng 20 hộ so với đầu năm, với khoảng trên 2.000 người. Cộng đồng Chăm Tân Thuận có tinh thần đoàn kết, chấp hành nghiêm các chủ trương chính sách của Nhà nước. Chính vì vậy, ngay khi có thông tin dịch Covid-19 xuất hiện trở lại, làng Chăm đã họp phổ biến những thông tin về dịch bệnh, những biện pháp phòng, chống căn bản. Đó là, dịch Covid-19 đến nay chưa có vắc xin phòng trị, cả thế giới đang đau đầu chống dịch, với lượng người tử vong lớn. Vì vậy, nhằm hạn chế lây lan qua tiếp xúc, qua đồ vật, qua lây nhiễm cơ hội khác, cộng đồng Chăm Tân Thuận sẽ dừng các lễ hội mang tính tôn giáo như lễ tạ dinh Chúa, dinh Cậu từ cuối tháng 7 trở đi cho đến khi có thông tin mới. Trong các buổi họp xóm, họp làng, bà con Chăm nhất thiết đeo khẩu trang sạch; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Với một số gia đình cần nhân công thu hoạch hoa trái thì cũng khuyến khích nhân công đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc gần. Nếu có triệu chứng ho, khó thở, những dấu hiệu bất thường thì nhanh chóng báo ngay cho cơ quan, trạm y tế gần nhất để được hướng dẫn theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Để làm được những điều nói trên, Trưởng làng Chăm còn đề nghị các đảng viên là đồng bào Chăm ở 3 Chi bộ thôn: Hiệp Nghĩa, Hiệp Hòa và Hiệp Phước, phát huy tinh thần gương mẫu, vận động người trong cộng đồng làm theo… “Từ những cố gắng trên, nên hiện nay nhiều người Chăm dù đi chợ gần nhà vẫn mang khẩu trang với lý do như đồng bào nói: Phòng bệnh hơn chữa bệnh” - ông Tìm nói thêm.

Chuyện ở làng Chăm Tân Thuận là những thông tin vui để chúng tôi tiếp tục trao đổi với ông Lê Xuân Dâm, Trưởng làng, cựu Bí thư Chi bộ thôn Tân Quang, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân nơi có đồng bào Rắc Lây và K’ho sống xen với đồng bào Kinh. Ông Dâm nói ngay: “Đồng bào thôn tôi có thua gì đồng bào Chăm Tân Thuận đâu!”. Rồi ông cho hay: Tân Quang hiện có trên 1.000 người Rắc Lây và K’ho. Mấy tháng trước đây, khi dịch Covid - 19 xuất hiện, với tư cách Trưởng làng, ông  nhắc nhở đồng bào cách thức phòng dịch như: Mang khẩu trang khi ra đường, ở nơi làm việc, nhất là chỗ đông người, cũng như không tụ tập đông người… Những ngày gần đây, khi dịch trở lại, gây tử vong một số người, thì vấn đề phòng dịch ở Tân Quang càng được coi trọng. “Toàn thôn có trên 300 hộ dân, hộ nào cũng có ti vi. Có mấy buổi tối, tôi đi từng nhà nói với bà con: “Tiền điện mỗi tháng mỗi hộ chỉ 100.000 - 150.000 đồng thôi. Tối tối mở cái ti vi lên để nghe Nhà nước báo tình hình dịch Covid-19. Ra đường bây giờ phải mang khẩu trang trở lại. Biểu mấy đứa nhỏ đừng tập trung đông nữa…”. Ông Dâm kể. Trong thôn có một số hàng quán, Trưởng làng Lê Xuân Dâm không quên nhắc nhở các chủ quán chuyển sang bán cho khách hàng mang đi, thay vì ăn uống tại chỗ. Đặc biệt, đồng bào Rắc Lây, K’ho ở Tân Quang có nếp vần đổi công làm đồng, bắt đầu từ cuối tháng 7, mọi người đều được yêu cầu mang khẩu trang khi làm đồng. Nếu vì lý do nào đó, có lao động không mang khẩu trang thì người gọi công làm đồng sẽ bị làng nhắc nhở trong các cuộc họp làng sau đó. 

Có thể nói, qua việc tìm hiểu việc phòng dịch Covid-19 ở 2 làng Chăm và Rắc Lây... thuộc 2 huyện: Hàm Thuận Nam và Hàm Tân, cho thấy: Nhận thức về nếp sống văn minh, phòng, chống dịch bệnh trong đồng bào các dân tộc tăng rất cao. Sẽ rất khó tìm thấy hình ảnh thiếu vệ sinh nơi công cộng, hoặc thiếu văn minh của đâu đó vài mươi năm trước. Ở đâu, dù là thôn dân tộc thuần, hoặc xen ghép, nhưng nếu người đứng đầu đơn vị nêu cao tinh thần trách  nhiệm thì ở đó vấn đề phòng dịch sẽ được chú trọng.

Đây là những thông tin vui, cho thấy: Ở Bình Thuận, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, đồng bào đã và đang phòng, chống tốt dịch Covid-19, cũng như giảm thiểu những tác hại của nó…

Hà Thanh Tú