Đã thấy hiệu quả từ nông nghiệp công nghệ cao
Kinh tế - Ngày đăng : 09:24, 19/08/2020
Trang trại trồng thanh long ở Hàm Thuận Nam. Ảnh Ngọc Lân |
Ứng dụng trong thanh long
Hàm Thuận Nam là một trong những huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển kinh tế đa dạng, trong đó, kinh tế nông nghiệp là chủ đạo. Vì vậy, những năm qua huyện đã thu hút khá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ông Trần Văn Lanh – Phó phòng Nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam cho biết: “Theo quy định chung của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) từ 3 - 4 ha là có thể thành lập được trang trại. Với diện tích này, ở huyện Hàm Thuận Nam có nhiều trang trại, cũng phải hàng ngàn trang trại”. Các trang trại chủ yếu sản xuất cây thanh long, loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Có thể nói đây là bước khởi đầu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, làm sáng lên “bức tranh” nông nghiệp Hàm Thuận Nam, nơi đang được ví như “thủ phủ” thanh long ở Bình Thuận.
Chỉ cần đi tuyến đường từ Hàm Minh đến Thuận Quý sẽ thấy sự ví von ấy là đúng. Thanh long bạt ngàn giống như những vùng sản xuất cây ăn trái thông minh ở các nước tiên tiến đăng tải trên YouTube. Từ khâu trồng cho đến thu hoạch hoàn toàn sử dụng công nghệ hiện đại với hệ thống chăm sóc bằng tưới phun mưa, nhỏ giọt, bón phân tự động, máy làm cỏ… nên tiết kiệm nước tưới, nhân công, lại cho năng suất cao, sản phẩm an toàn. “Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất mang lại hiệu quả, an toàn và bền vững hơn nhiều so với phương thức canh tác truyền thống. Nó chỉ nặng đầu tư ban đầu, nhưng lấy vốn lại nhanh vì năng suất cao nhờ vào cách chăm sóc có khoa học. Nhân công cũng không cần nhiều bởi tưới, cắt cỏ, bón phân đã có hệ thống phun tưới, máy móc làm hết”, Diệp Trường An – một kỹ sư nông nghiệp đang làm việc cho Trang trại thanh long Phúc An, xã Hàm Cường, Hàm Thuận Nam chia sẻ.
Phá thế độc canh...
Trong quá trình triển khai, theo dõi các trang trại ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất trong nhiều năm, ông Lanh thừa nhận việc ứng dụng công nghệ cao mang lại lợi ích quá lớn. Ông cho biết: “Không chỉ cơ giới hóa toàn bộ các khâu trong sản xuất mà còn tiết kiệm nhiều thứ, nhất là người lao động trên địa bàn huyện đang ngày càng thiếu và nước tưới cũng hay thiếu vào mùa khô”. Từ hiệu quả trên cây thanh long, Hàm Thuận Nam tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế ứng dụng công nghệ mới vào cây trồng khác. Vì trước chiều hướng thanh long đang bị “bão hòa”, nhiều nơi đã trồng, khó khăn đầu ra, nhiều doanh nghiệp, nông dân đã trồng một số loại cây trồng có giá trị và thị trường quan tâm như dưa lưới, nho... Trang trại Phúc An là một điển hình, ngoài thanh long còn sản xuất dưa lưới. Phương thức sản xuất ứng dụng công nghệ mới cơ bản vẫn giống nhau, chỉ khác đầu tư thêm nhà màng. “Trồng trong nhà màng cho năng suất cao nhờ chủ động được mùa vụ, không bị sâu bệnh. Trồng ở ngoài trời mưa nắng thất thường dễ sâu bệnh mất mùa. Nhân công chăm sóc 1 người/ha”, Trường An, người chăm sóc vườn dưa lưới của Trang trại Phúc An rộng 3 ha chia sẻ.
Phương thức sản xuất này đang ngày càng thu hút người dân quan tâm. Ông Lê Minh Thọ - một nhà vườn thanh long ở xã Hàm Cường cho biết: “Tôi đang nghiên cứu chuyển hướng sang trồng nấm trong nhà màng hoặc trồng măng tây, vì thanh long hiện bấp bênh không mang lại thu nhập cao”.
Trồng dưa lưới ở Hàm Thuận Nam. Ảnh Ngọc Lân |
... phát triển bền vững
Chỉ có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thì mới mong đạt năng suất khi biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Ông Trần Văn Lanh cho biết thêm: “Chúng tôi đang hướng người dân đi theo phương thức sản xuất này bằng nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông. Cứ ai có nguyện vọng chuyển đổi hướng canh tác sang công nghệ cao, chúng tôi đều chấp nhận. Họ sẽ được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật... còn đầu tư nhà màng thì tự túc”. Hiện trên địa bàn đã có một số hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sang phương thức này như trồng nấm, dâu tây, dược liệu công nghệ cao.
Nông nghiệp công nghệ cao giúp giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, giảm sâu bệnh, phát triển kinh tế huyện. Đến bây giờ, nhiều người đã thấy hiệu quả ấy. Vì vậy, Hàm Thuận Nam đang tiếp tục thúc đẩy người dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đặc biệt với thanh long phải theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Hàm Thuận Nam, những năm qua huyện triển khai mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hướng nông dân chuyển đổi sang phương thức sản xuất này để nâng cao giá trị nông sản, cải thiện thu nhập cho nông dân.
Theo báo cáo chính trị thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hàm Thuận Nam nhiệm kỳ qua về kinh tế - xã hội: Chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP được công nhận đạt 5.366 ha. Huyện đã triển khai quy hoạch vùng trồng thanh long tập trung, từng bước hình thành vùng trồng thanh long chất lượng cao, xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 3.000 ha; phát triển một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. |
Ninh Chinh