Trung Quốc có “chân” trong Tòa Luật biển Quốc tế không ảnh hưởng phán quyết 2016
Quốc tế - Ngày đăng : 16:22, 27/08/2020
Đại sứ Trung Quốc tại Hungary Đoàn Khiết Long đã trúng cử ghế thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2020-2029 ngay vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 24/8. Chuyên gia Philippines cho rằng, điều này không ảnh hưởng đến phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 về vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc có chân tại Tòa Luật Biển Quốc tế không ảnh hưởng đến phán quyết 2016 của Tòa trọng tài quốc tế. (Nguồn : pca-cpa.org) |
Ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Đại học Philippines về Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển khi trả lời phỏng vấn tờ Benarnews cho rằng vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông đã được Tòa trọng tài ra phán quyết, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về "đường 9 đoạn". Do vậy, không thể đảo ngược các phán quyết này.
Chuyên gia Philippines cũng cho rằng, Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) là một cơ quan hoàn toàn tách biệt với Tòa trọng tài quốc tế.
Báo cáo thường niên năm 2019 cho thấy, Tòa án quốc tế về Luật Biển xét xử 4 trường hợp và chỉ đưa ra phán quyết 1 trường hợp trong số đó hồi năm 2019. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng bị hạn chế trong việc kiểm soát quá trình tố tụng tại Tòa án quốc tế về Luật Biển với chỉ 1 ghế thẩm phán.
Ông Jay Batongbacal cho rằng, vụ kiện có hậu quả lớn nhất trong những năm gần đây liên quan đến Luật Biển không phải do Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) phán xử mà thông qua Tòa trọng tài thường trực có trụ sở ở The Hauge (Hà Lan) (vụ kiện năm 2016 giữa Trung Quốc và Philippines-PV). Tòa trọng tài quốc tế đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, trong đó đòi hỏi chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông, là không có căn cứ dựa theo các nguyên tắc của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Mặc dù là một bên tham gia đàm phán và phê chuẩn UNCLOS nhưng Trung Quốc cho đến nay vẫn từ chối chấp thuận hoặc không công nhận phán quyết của tòa. Nước này đang phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gia tăng trên chính trường quốc tế về yêu sách của họ với hầu hết khu vực Biển Đông.
Gần đây nhất, chính phủ Philippines, ngày 20/8, đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc "tịch thu ngư cụ trái phép" của ngư dân nước này khi đang hoạt động trong vùng biển của họ, đồng thời phản đối việc Bắc Kinh đưa ra các thách thức qua vô tuyến đối với máy bay của Philippines tuần tra ở Biển Đông.
Hương Trà/VOV