Địa Trung Hải “dậy sóng”: Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ “cơm không lành, canh chẳng ngọt”
Quốc tế - Ngày đăng : 16:02, 28/08/2020
Việc cùng tổ chức tập trận riêng rẽ tại Đông Địa Trung Hải của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy một thông điệp mạnh mẽ không “nhượng bộ” với những gì được coi là chủ quyền kinh tế của đất nước, bất chấp Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng kêu gọi hai thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bình tĩnh và cùng tìm kiếm một giải pháp xoa dịu căng thẳng hiện nay.
Ảnh minh họa: New York Times |
Lịch sử tranh chấp lâu đời của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ
Nhìn lại lịch sử tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tại Địa Trung Hải, tranh chấp trên biển Aegean - một vùng biển ở phía đông bắc Địa Trung Hải giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, đã kéo dài từ năm 1973 đến nay. Mở đầu bằng sự kiện ngày 1/11/1973, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho phép một số công ty khai thác dầu mỏ nước này khai thác dầu trên 27 khu vực ở thềm lục địa biển Aegean. Các tàu của Thổ Nhĩ Kỳ có thể thăm dò và khai thác nguồn dầu mỏ ở vùng thềm lục địa nằm giữa địa phận hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Ngay lập tức, ngày 7/2/1974, chính phủ Hy Lạp đã gửi Công hàm cho Thổ Nhĩ Kỳ đặt câu hỏi và phản đối các chính sách của Ankara. Tiếp đó, hai quốc gia này liên tục có các quan điểm cứng rắn khi liên tục trao đổi công hàm về chủ quyền lãnh hải của mỗi quốc gia.
Tới tháng 3/1987, Hy Lạp thông báo sẽ thực hiện thăm dò tài nguyên tại vùng biển tranh chấp gần đảo Thasos, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động tàu thăm dò RV MTA Sismik 1 đến khu vực này với sự tháp tùng của tàu chiến. Căng thẳng leo thang trong khi cả hai phía đều sẵn sàng cho một tình huống tranh chấp quân sự. Tuy nhiên, nhờ sự dàn xếp của Tổng Thư ký NATO lúc đó là ông Peter Carington, 2 nước đã xuống thang và đồng ý không cho tàu vào vùng tranh chấp.
Từ đó đến nay, xung đột vẫn thường xuyên diễn ra giữa hai nước, đặc biệt số vụ “đụng độ” tăng lên nhanh chóng kể từ năm 2013, khiến cho khu vực này trở thành 1 trong 7 điểm nóng trên biển của thế giới.
Hy Lạp tuyên bố nhiều hòn đảo của nước này trên biển Aegean là các khu vực hàng hải theo luật pháp quốc tế song Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bác bỏ quan điểm này. Hiện tại, Hy Lạp kiểm soát đảo phía Đông, còn đảo phía Tây do Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ.
Căng thẳng hai bên vẫn tiếp tục leo thang mặc dù lãnh đạo hai nước này luôn thể hiện quan điểm sẽ giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại; nhưng mồi lửa tranh chấp vẫn âm ỉ, chỉ chờ cơ hội bùng phát khi hai quốc gia này vẫn chưa thể tìm một tiếng nói chung để hóa giải mâu thuẫn về phân định biên giới trên biển.
Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ trong khu vực Địa Trung Hải những năm gần đây đã làm dấy lên một cuộc tranh giành nguồn tài nguyên giữa Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, cũng như Cộng hòa Síp và Israel. Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường hoạt động khoan thăm dò ngoài khơi đảo Síp, gây ra sự phẫn nộ của nhiều nước trong khu vực và EU, đồng thời các nước này cho rằng các hoạt động trên là “bất hợp pháp”.
Đông Địa Trung Hải “dậy sóng”
Từ đầu tuần, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp liên tục đưa ra những cảnh báo lẫn nhau về những xung đột do các hoạt động thăm dò tài nguyên và kế hoạch tập trận ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Những căng thẳng leo thang liên tục trong những ngày qua liên quan tới hoạt động thăm dò khí đốt tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực ngoài khơi các đảo của Hy Lạp ở phía Đông Địa Trung Hải.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hải quân Mỹ tập trận. |
Hy Lạp coi các cuộc thăm dò này là bất hợp pháp, còn Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên án hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời yêu cầu Ankara chấm dứt ngay các hành động này. Tuy nhiên, phía Ankara cho rằng vùng biển mà nước này đang thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis ngày 26/8 tuyên bố, Athens sẵn sàng thực hiện một “bước đi giảm leo thang quan trọng” ở khu vực Đông Địa Trung Hải với điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt “những hành động khiêu khích”. Tuyên bố trên được Thủ tướng Mitsotakis đưa ra khi điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bối cảnh tranh cãi giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ về nguồn tài nguyên khí đốt và biên giới trên biển đã leo thang lên cấp độ mới.
Tuy nhiên, cùng ngày 26/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, nước này sẽ không bao giờ thỏa hiệp với những gì thuộc về họ. Đây được cho là một động thái cứng rắn từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ khiến cho những nỗ lực của cả Mỹ và EU trong việc giảm căng thẳng ở khu vực này trở nên vô ích.
Có thể thấy những tuyên bố cứng rắn của hai bên về vùng biển tranh chấp sẽ khiến cho căng thẳng còn tiếp tục kéo dài. Tuy nhiên, cũng như trong quá khứ, xung đột quân sự giữa hai quốc gia thành viên NATO này được cho là khó có thể xảy ra khi cả Mỹ, EU và NATO đều sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho những căng thẳng này.
Khác biệt giữa chính sách của Mỹ và EU tại Đông Địa Trung Hải
Tranh chấp tại Địa Trung Hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là vấn đề nội bộ của châu Âu, và việc Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ Hy Lạp - một thành viên của EU là không thể bàn cãi.
Ngoại trưởng các nước EU đều thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Hy Lạp trong tranh chấp chủ quyền hàng hải với Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí còn yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngừng các hoạt động thăm dò thăm dò khí đốt tự nhiên tại khu vực ngoài khơi Địa Trung Hải.
Ảnh minh họa: CNN |
Mới đây, các nước như Pháp, Italy và Cộng hòa Cyprus còn tiến hành tập trận hải quân với Hy Lạp như bày tỏ sự ủng hộ về mặt ngoại giao và quân sự đối với Athens. Trước đó, ngày 14/8, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí chuẩn bị các biện pháp chống Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp trả những hoạt động hải quân của Ankara ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải.
Theo giới phân tích, động thái ủng hộ Hy Lạp của EU là hoàn toàn có thể hiểu được bởi những hành động gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ dẫn đến tình trạng gia tăng xung đột hơn giữa hai nước mà sẽ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng khác đối với toàn bộ EU.
Cụ thể, các tranh chấp hiện tại sẽ không phục vụ lợi ích an ninh của EU cũng như chính Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải, bởi lẽ không thể phủ nhận quan hệ giữa hai bên luôn là trụ cột để duy trì an ninh và ổn định của khu vực Đông Địa Trung Hải, cũng như đối phó với những mối đe dọa từ các chính sách hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.
Trong khi đó, trên trang Twitter của mình, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này có cuộc tập tập chung trên biển giữa hải quân nước này với tàu khu trục USS Winston S. Churchill của Mỹ tại phía Đông Địa Trung Hải trong ngày 26/8.
Cơ quan này cũng công bố ảnh của 3 tàu chiến, trong đó có 2 tàu Thổ Nhĩ Kỳ và một tàu treo cờ của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Thông báo trên được đưa ra vài giờ sau khi Hy Lạp tiến hành cuộc tập trận chung với Pháp, Italy và Cộng hòa Cyprus ở vùng biển phía Đông Địa Trung Hải, tâm điểm của những căng thẳng vừa qua giữa Hy lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Mỹ tiến hành tập trận chung với Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy sự ủng hộ và những tính toán nhất định đối với Thổ nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO). Giới quan sát cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối lục địa Á-Âu, eo biển mà Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát cũng là tuyến đường duy nhất ra vào Biển Đen, do đó, chính quyền Washington vẫn luôn tìm cách thể hiện tầm ảnh hưởng lớn của mình trong khối và cố gắng kiểm soát Thổ Nhĩ Kỳ ở mức độ nhất định.
Mỹ - nước có tiềm lực quân sự hùng mạnh nhất trong NATO đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi điều tàu hải quân đến tập trận với nước này. Động thái trên được xem như một thông điệp gửi đến các nước phương Tây – vốn là đồng minh thân cận của Mỹ, đó là không nên đi ngược lại với tính toán và lợi ích của Washington.
Hải Đăng/VOV