Cửu vạn thời “Cô-vít”

Đời sống - Ngày đăng : 10:20, 04/09/2020

BT - Thức trắng đêm, lao động mệt nhọc, đôi vai họ gồng gánh những lo toan với hy vọng kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Trước đây, nghề cửu vạn hay còn gọi là nghề bốc vác đã đem lại cho họ từ 250.000 - 300.000 đồng/đêm. Thế nhưng, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến họ khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Tôi đã có một đêm “thức trắng” cùng những cửu vạn.
         

Lấy đêm làm ngày

Đêm của ngày đầu tháng 9, những cơn gió mang theo chút hơi lạnh của mùa thu bắt đầu thổi. 0 giờ đêm, trong chiếc áo khoác mỏng, đứng giữa lòng TP. Phan Thiết mà tôi cứ ngỡ như mình đứng giữa tiết trời của mùa thu Hà Nội. Giờ này, mọi người đã chìm trong giấc ngủ, trên những con đường lớn cũng chỉ còn lác đác vài người qua lại, tôi cùng người bạn lang thang đến chợ đêm Phan Thiết để tìm hiểu công việc của những người cửu vạn trong những ngày cả nước đang căng mình phòng chống dịch Covid-19.

Chợ đêm Phan Thiết thường hoạt động từ khoảng 0 giờ đêm cho đến 6 giờ sáng hôm sau. Đây là chợ đầu mối lớn nhất tỉnh, hình thành từ nhiều năm nay, cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm đến các chợ nhỏ lẻ trong tỉnh. Nơi đây cũng tạo điều kiện cho rất nhiều người hành nghề cửu vạn với công việc khuân vác, kéo và đẩy hàng hóa cho các tiểu thương trong chợ.

Sau khi tìm được nơi gửi xe, tôi tiến về phía vỉa hè, nơi có nhóm đàn ông tuổi chừng 20 – 55 đang ngồi trò chuyện. Nhìn xung quanh, một số khác ngủ ngon lành trên tấm ni-lon trải dưới nền đường, hay những thùng carton lớn. Tôi xin phép chụp một bức ảnh, một anh trong nhóm tươi cười nói: “Em định viết báo về bọn anh phải không? Trả “tiền công” rồi anh kể cho nghe, tha hồ mà viết”. Miệng nói, tay kéo vội chiếc ghế đẩy về phía tôi, vừa ngồi xuống, anh đã bắt đầu luyên thuyên kể cho tôi nghe những chuyện vui buồn của nghề cửu vạn. “Cái nghề cửu vạn, bốc vác này nhọc lắm. Nhiều người mới vào nghề, đêm đầu tiên làm việc đã không chịu nổi, phải kiếm nghề khác sinh sống. Cũng có người cố gắng làm đến “vẹo” cả xương sống, kiếm đồng tiền từ nghề này không dễ, có thể nói là “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, cửu vạn Nguyễn Văn Sơn có trên 9 năm “chinh chiến” tại chợ Phan Thiết cho biết.

Qua câu chuyện kể của Sơn, cùng nhiều cửu vạn tại đây, tôi biết thêm ở chợ đầu mối Phan Thiết hình thành 1 tổ cửu vạn có trên 40 lao động, dao động từ 20 -  50 tuổi, tới từ nhiều địa phương trong cả nước như Thanh Hóa, Nghệ An… song đa phần là người dân ở Bình Thuận. Vì họ lao động nhiều và phần lớn phụ thuộc vào sức lực nên thoạt nhìn bề ngoài ai cũng có một thân hình khỏe mạnh và nhanh nhẹn nhưng đôi mắt thì thâm quầng vì mất ngủ.

Câu chuyện bắt đầu chưa được 30 phút, thì chiếc xe tải chở hàng nông sản đầu tiên đã tới chợ. Tổ cửu vạn đang ngồi bỗng í ới gọi nhau: “Hàng về, hàng về, dậy bốc thôi”. Không biết phải tiếng động cơ xe hay những tiếng í ới của “đồng nghiệp” đã nhanh chóng đánh thức những người làm cửu vạn đang “ngủ vội” cũng phải bật mình dậy một cách nhanh nhất. Xe vừa dừng hẳn, vài người trong nhóm “phóng” lên thùng xe, dỡ bạt và đẩy các thùng hàng xuống dưới. Bên dưới đã có hơn 10 người ghé vai vác từng thùng nông sản xếp gọn gàng, ngăn nắp, đúng vị trí cần đặt... Chừng 15 phút, chiếc xe tải đã sạch hàng. Những người cửu vạn còn chưa kịp nghỉ ngơi thì chiếc xe thứ 2, thứ 3 lừ lừ tiến vào chợ... Trời càng về khuya, thời tiết càng lạnh, thế nhưng đứng gần quan sát những người cửu vạn làm việc, tôi vẫn thấy những giọt mồ hôi rơi. “Cái nghề của tụi anh nó khổ thế đấy. Người ta được ngủ chứ mình thì đêm nào cũng thức trắng còng lưng để kiếm tiền nuôi con. Về tới nhà đã 7 - 8 giờ sáng rồi, cố chợp mắt một lúc để kiếm thêm công việc khác như chạy xe ôm chẳng hạn”, anh Sơn vừa làm vừa nói với theo tôi. 

                
Lượng hàng nhập về chợ đầu    mối giảm so với trước đây.

Những phận đời

Trong ánh sáng vàng vọt của bóng đèn cao áp, một người đàn ông dáng vẻ nhỏ nhắn với mái tóc đã pha màu muối tiêu, chân không đi dép, đang cố lấy sức kéo chiếc xe chở hàng. Sức nặng của những thùng hàng khiến ông phải khom lưng, lò dò đi từng bước một. Ông là Nguyễn Văn Nhàu (72 tuổi), trú ở phường Đức Nghĩa, hành nghề cửu vạn đã ngót 50 năm. Mọi người ở đây thường gọi ông là “sư tổ” của nghề cửu vạn. Đang chở hàng nên ông không thể dừng lại tiếp chuyện tôi. Để hiểu hơn câu chuyện của ông, tôi đã chạy theo sau và đẩy phụ với mục đích nghe ông tâm sự. “Tôi già rồi, cũng không muốn làm nghề này nữa nhưng vì miếng cơm manh áo và người vợ 74 tuổi đang nằm liệt giường ở nhà, nên phải cố gắng”, vừa kéo xe ông Nhàu vừa nói. Đi sau ông, trời lùa nhẹ từng cơn gió, nhưng mồ hôi đã khiến chiếc áo đỏ đô của ông ướt đẫm. “Cực vậy đó cô, làm từ 1 giờ sáng đến khi hết hàng, một đêm tôi chỉ được 70.000 đồng thôi. Vì giờ mình đâu còn sức. Trước đây tôi cũng được từ 250.000 - 300.000 đồng/đêm đó cô”.  Vậy rồi, ông chi tiêu làm sao? Thì tiết kiệm chứ sao cô! Gửi ông chút tiền để mua sữa, tôi thấy lòng mình nặng trĩu.

    
      Nghề cửu vạn vất vả lắm em à. Dịch đợt 1 đã làm những người cửu vạn như   tụi anh điêu đứng. Giờ thêm lần 2 nên hàng hóa cũng giảm theo, khối   lượng công việc chỉ còn khoảng 50%, chứ độ này năm ngoái, anh làm không   xuể”, anh Vinh kể.

Nghề cửu vạn – nghe là thấy khổ nhưng đối với những người phụ nữ làm nghề này càng khổ hơn. Tôi chứng kiến nơi đây rất nhiều cửu vạn là nữ với thân hình mong manh, nhỏ bé nhưng có lẽ sức lực của họ thì thật phi thường. Một mình chất từng bịch củ đậu lên xe để vận chuyển về các sạp hàng trong chợ, chị Nguyễn Thị Mai (42 tuổi), quê ở Nghệ An cho biết: Hai vợ chồng chị ở trọ tại Phan Thiết để làm cửu vạn cũng đã được 7 năm. 2 đứa con nhỏ gửi ngoài quê cho ông bà nội chăm sóc. Hàng tháng anh chị tiết kiệm chi tiêu gửi tiền về cho con ăn học. Nhiều khi, nhìn gia đình người ta quây quần bên mâm cơm, nghĩ đến con cái mình mà thương. Những ngày đầu đến với nghề cửu vạn, đôi tay chị bỏng rát, toàn thân đau buốt, tưởng chừng không bám víu nổi. Vậy mà cứ cố gắng, ngày qua ngày đến nay tròn 7 năm. “Làm xong chỗ này, tôi tìm chỗ chợp mắt một chút vì sáng sớm mai còn tất bật với sạp hàng ở đầu chợ nữa”. “Làm nhiều vậy, chắc ổn định phải không chị? Đâu có! vẫn nghèo em ơi!”. 

                
Ông Nhàu - cửu vạn lâu năm    của chợ đầu mối Phan Thiết.

Vượt qua mùa dịch

Trời càng về khuya, mắt tôi đã nhíu lại, phần vì buồn ngủ, phần vì mệt. Tìm quán trên vỉa hè sát chợ, tôi cùng người bạn ghé vào ngồi uống nước để thả lỏng. Tôi chợt hỏi chủ quán nước: Cô ơi, sao giờ này lượng xe cộ về không nhiều vậy ạ? Chẳng cần suy nghĩ lâu, cô chủ quán nhanh chóng trả lời: “Dạo này ít lắm, tôi buôn bán cũng ế ẩm đây!.”

Đây không phải là lần đầu tôi đến nơi này, trong trí nhớ của tôi cũng ít nhất là 3 lần. Lần mới đây nhất là 1 năm về trước, cũng thời điểm này khi tôi thực hiện phóng sự về nguồn rau củ, quả ế ẩm. Hình ảnh của ngày hôm đó trở nên sống động trong ký ức của tôi. Đó là sự nhộn nhịp của xe cộ qua lại, người chen lấn nhau một cách chật chội, hàng hóa thì phong phú; tiếng cười, tiếng nói í ới vang một góc trời.

“Giờ này, mới được 3 xe hàng, coi như đói”, giọng nói kèm theo tiếng thở dài của một cửu vạn khiến tôi chợt tỉnh. À thì ra là vẫn có nhiều cửu vạn “rảnh rỗi” nằm chờ xe chở hàng đến để bốc vác. Bỏ ly nước đang uống dở, tôi men lại bên cạnh cửu vạn này để trò chuyện. Anh là Nguyễn Văn Vinh (sinh năm 1980, ở Tánh Linh), 5 năm qua gắn bó với môi trường ồn ào ở chợ đầu mối này nên nắm rõ từng ngóc ngách, từng con người nơi đây. Nay, anh ngỡ ngàng khi thấy khu chợ vắng người, vắng hàng. Dịch bệnh đang khiến những sinh hoạt bình thường trở nên “bất thường”. 

Đâu chỉ anh Vinh, ông Nguyễn V. N (50 tuổi, yêu cầu giấu tên) ở phường Đức Nghĩa, cũng thất thần khi những đêm thức trắng chỉ thu nhập được hơn 100.000 đồng, giảm hơn một nửa so với trước khi bị  dịch Covid-19. “Hàng ít, cửu vạn chúng tôi phải san sẻ, chia nhau bốc vác, để cùng nhau kiếm miếng cơm”, ông N tâm sự . “À cô! Cho tôi hỏi, lúc trước tụi tôi cũng có làm đơn được hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 42 nhưng sao giờ vẫn chưa nhận được vậy cô?”. Thật may cho tôi, người bạn đi cùng làm bên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, rất am hiểu vấn đề này nên đã giải thích chu đáo. “Tiền sẽ đến tay các chú, các anh, nhưng do vướng mắc ở nhiều khâu nên hơi chậm trễ”, bạn tôi nói. “Ờ thì có vẫn hơn. 1 triệu đồng/tháng, tôi được 3 tháng nên sẽ đỡ khó khăn phần nào”, ông N tâm tư.

Trời gần sáng, người mua hàng đã đổ về chợ đông hơn. Lúc này những người cửu vạn ngồi xuống lề đường, góc chợ, từng nhóm tụm năm, tụm bảy, người cầm hộp cơm, ổ bánh mì, người mang xôi... ra ăn sáng. Các công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận cũng nhanh chóng quét dọn, thu gom rác thải, trả lại vẻ sạch sẽ tinh tươm cho các tuyến đường. Thế nhưng, trong tôi còn những băn khoăn là “liệu những cửu vạn này có sớm nhận được tiền từ Nghị quyết 42 hay không”?

Tôi đã mang nỗi băn khoăn này hỏi ông Đỗ Quốc Bảo, Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết – đơn vị trực tiếp quản lý chợ đầu mối Phan Thiết được biết, những cửu vạn tại chợ đầu mối Phan Thiết có khoảng hơn 100 người, địa phương quản lý hơn 40 người trong tổ bốc vác. Hiện nay do đang trong thời điểm dịch bệnh nên hoạt động mua bán tại chợ đầu mối không nhộn nhịp so với trước. Lượng hàng nhập về không nhiều do đó kéo theo thu nhập của những cửu vạn giảm. Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, phường Đức Nghĩa đang nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục về hồ sơ để sớm chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động tự do theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Các lao động là cửu vạn tại chợ có khoảng hơn 35 người sẽ được nhận tiền do địa phương chi trả trong thời gian đến. Ông Bảo cũng cho biết thêm, phường cũng rất quan tâm đến công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho những cửu vạn, tiểu thương tại chợ đầu mối, như thường xuyên phát khẩu trang, nước sát khuẩn... Tuy nhiên vẫn còn nhiều cửu vạn do bốc vác nặng nhọc, vướng víu nên thường tháo khẩu trang ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để không chỉ là các cửu vạn mà những người buôn bán tại chợ sẽ ý thức hơn.

Nỗi băn khoăn được giải tỏa, một ngày mới lại bắt đầu với nhịp sống sôi động. Dù gian khổ trong giai đoạn này, nhưng những cửu vạn vẫn tiếp tục bám nghề để vượt qua. Bởi với họ nghề cửu vạn là miếng cơm, manh áo hàng ngày!

THANH NHÀN