Tái tạo nguồn lợi thủy sản vẫn còn nan giải

Kinh tế - Ngày đăng : 11:57, 06/09/2020

BTO- Hiện Bình Thuận có hơn 7.000 tàu thuyền đánh bắt thủy sản với hàng trăm ngàn lao động khai thác thủy sản tuyến bờ, tuyến lộng và xa bờ. Ngư trường Bình Thuận những năm gần đây nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt nghiêm trọng do đánh bắt cá con, hủy hoại nguồn lợi thủy sản bằng mìn, chất độc hóa học, sử dụng nghề giã vào sai tuyến...  
                
      Thả Rùa về biển.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp – PTNT tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý hành vi phá hủy nguồn lợi; đồng thời, tổ chức các hoạt động tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản. Nhất là tuyến bờ các địa phương cùng ngành Nông nghiệp – PTNT đã có nhiều hoạt động tái tạo nguồn lợi như: Bảo vệ rùa biển; cấm khai thác có thời hạn một số loài hải đặc sản; quản lý và điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác; triển khai một số mô hình thí điểm đồng quản lý nguồn lợi thủy sản; tuyên truyền, vận động ngư dân tự giác chấm dứt hoạt động nghề cào nhám, chuyển đổi sang nghề khác thân thiện với môi trường…

Nhờ vậy, bước đầu đã góp phần tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản, nhất là các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Hiên nay, Sở Nông nghiệp – PTNT đã xây dựng đế án: “Quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản vùng biển Bình Thuận đến năm 2025”. Nôi dung đề án gồm nhiều chương trình quản lý, bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ; sắp xếp cơ cấu lại hoạt động khai thác hải sản tại vùng bờ, vùng lộng; đề xuất chính sách chuyển đổi nghề cấm, nghề hạn chế, nghề mang tính xâm hại nguồn lợi cao, nghề hoạt động ven bờ… sang các nghề khác cho ngư dân. Đề án đã được UBND tỉnh thông qua, hiện đang chờ Trung ương ban hành cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề. Đề án này được triển khai thực hiện sẽ góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, phục hồi, tái tạo, ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Bình Thuận.

Tuy nhiên, trên thực tế việc tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn nhiều nan giải. Tình trạng vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý là gần đây một số tàu thuyền hành nghề đánh bắt thủy sản giã cào nhám sai tuyến vẫn diễn ra tại vùng biển Tân Tiến, Bình Tân (La Gi), Hòa Thắng (Bắc Bình) làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, cào mất lưới của ngư dân hành nghề đánh bắt ven bờ. Trong những tháng đầu năm 2020 cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm (tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm để hoạt động nghề cào nhám). Các trường hợp nói trên đều bị phạt tiền từ 15 triệu đến 25 triệu đồng và tịch thu ngư cụ cấm sử dụng khai thác. Mặc dù vậy, nhưng tình trạng tàu cá hành nghề cào nhám vẫn hoạt động lén lút, trái phép xẩy ra trên vùng biển Bình Thuận. Thời gian hoạt động thường diễn ra vào ban đêm nên rất khó phát hiện. Các đối tượng thường xuyên đối phó, trốn, tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Để bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi, hiểu rõ tác hại của việc hành nghề sai tuyến, dẫn đến hủy hoại nguồn lợi thủy sản trên biển, từ đó chuyển đổi nghề.

Mặt khác, tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền trên biển qua “nhắn tin”, thiết bị giám sát hành trình của từng tàu thuyền trên biển. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp, nhằm bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình ngư dân.

Lê Thanh