Phòng chống khai thác IUU :
Kinh tế - Ngày đăng : 08:15, 09/09/2020
BT - Đã hơn 1 năm (từ tháng 7/2019 đến nay), trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ việc tàu cá, ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Điều này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong ngư dân…
Hạn chế vi phạm
Cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra, đánh giá về việc triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Bình Thuận. Kiểm tra tại Cảng cá Phan Thiết, Thứ trưởng bày tỏ sự hài lòng, đánh giá cao những cố gắng của tỉnh. Hơn hết là trong hơn 1 năm qua Bình Thuận không có tàu cá, ngư dân bị bắt giữ, xử lý vì vi phạm lãnh hải. Kết quả này cho thấy sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức đối với tác hại, hậu quả của việc đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác hải sản của ngư dân.
Ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu nhằm gỡ bỏ “thẻ vàng”, xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững. Theo đó, các lực lượng chức năng phối hợp chính quyền địa phương vùng biển tuyên truyền, phổ biến quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời, triển khai cho 100% chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Rà soát, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao, thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ phải qua) kiểm tra tại Cảng cá Phan Thiết. |
Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
Để quản lý tốt tàu cá theo quy định, các biện pháp triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (VMS) và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình phục vụ theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển vô cùng quan trọng. Do đó, ngành thủy sản đã thông báo các hình thức xử lý nghiêm khắc quy định tại Nghị định 42/CP, hậu quả chủ tàu và ngư dân phải gánh chịu nếu vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài để tăng tính cảnh báo, răn đe.
Tính đến cuối tháng 8/2020, toàn tỉnh có xấp xỉ 1.700 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt VMS. Song song, Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh đã được đầu tư trang bị cơ bản đặt tại Chi cục Thủy sản, hình thành 3 Trạm dữ liệu tại 3 Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, bước đầu đã vận hành phục vụ có hiệu quả đa mục tiêu quản lý tàu cá. Nhờ đó đã phát hiện, cảnh báo và gọi quay về 12 trường hợp tàu cá vượt ranh giới vùng biển Việt Nam.
Ông Huỳnh Quang Huy cho biết thêm, việc theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá đã có sự cải thiện đáng kể. Tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bước đầu được ngăn chặn, song vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ. Đáng chú ý là nhóm tàu cá khai thác xa bờ thường xuyên lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh, nếu không có các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Các hành vi vi phạm khai thác IUU theo Luật Thủy sản 2017 trên địa bàn tỉnh còn khá phổ biến, nhất là tình trạng ngư dân không ghi, không nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, không khai báo khi ra vào cảng cá…
Chính vì vậy, thời gian tới ngành thủy sản sẽ huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao nhất để khẩn trương khắc phục các hạn chế, tồn tại trong quản lý. Đồng thời, kiểm soát hoạt động nghề cá trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng cả nước sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC. Mặt khác, xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, vừa mang tính cấp bách vừa thường xuyên, lâu dài. Qua đó, huy động các nguồn lực cần thiết, nhằm tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, ngăn chặn, giảm thiểu, loại bỏ các hành vi khai thác IUU, xây dựng và phát triển nghề cá có trách nhiệm, thích ứng các điều kiện, quy định quốc tế về hoạt động nghề cá.
KIỀU HẰNG