Người làm “cầu nối” giữa hiện vật và khách tham quan

Xã hội - Ngày đăng : 08:39, 09/09/2020

BT - Tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh, Trường Đại học Đà Lạt vào năm 1999. Đứng trước cơ hội làm việc tại nhiều môi trường năng động, nhưng cuối cùng chị Nguyễn Thị Thu Nga lại quyết định chọn nghề thuyết minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận. Bằng chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm, chị đã góp phần làm cầu nối giữa hiện vật tại bảo tàng với du khách tham quan.

Gặp chị trước dịp lễ Quốc khánh 2/9, lúc này Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận đang trang hoàng, chuẩn bị rất nhiều việc để đón các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đến viếng Bác và tham quan triển lãm tranh. Với vai trò là Trưởng phòng Tuyên truyền và vẫn đảm nhận nhiệm vụ thuyết minh cho một số đoàn khách quan trọng, vì thế các nội dung, kế hoạch đều được chị phân công rất chi tiết, cụ thể.

“Làm nghề đã nhiều năm, nhưng tôi và anh chị em tại bảo tàng vẫn không ngừng cố gắng, trau dồi kỹ năng, kiến thức xã hội, nhất là những kiến thức liên quan đến lịch sử, câu chuyện về Bác. Nhiều người từng hỏi tôi, tiếp xúc nhiều với các hiện vật lịch sử và trong một không gian như vậy có cảm thấy nhàm chán, khô khan. Nhưng ngược lại, tôi lại thấy mình may mắn khi hàng ngày được gần gũi với các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thiêng liêng có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi thấy đây là môi trường, điều kiện thuận lợi để bản thân rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người”, chị Thu Nga chia sẻ.

                
      
Chị Thu Nga đang thuyết minh cho đoàn học sinh đến tham quan Bảo    tàng Hồ Chí Minh.

Dù phía dưới các hiện vật, hình ảnh trong bảo tàng giờ đã được chú thích ngắn gọn bằng tiếng Việt và tiếng Anh, nhưng không thể thay thế được vai trò của người thuyết minh. Họ thường được ví như chiếc cầu nối, có vai trò hướng dẫn, giải thích, gởi gắm những giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc đến với khách tham quan. Để làm được điều đó, trong quá trình thuyết minh, chị Thu Nga luôn ân cần, niềm nở, lịch sự. Tùy mỗi đối tượng tham quan là học sinh tiểu học, trung học, sinh viên, công nhân, nhân dân lao động, đồng bào dân tộc hay cán bộ hưu trí, cựu chiến binh… chị lại có cách diễn giải, chủ động điều tiết lượng thông tin phù hợp, dễ hiểu nhất, để mỗi câu chuyện trở thành bài học sinh động, quý báu mà du khách cảm nhận hết được.

Chị Thu Nga kể: “Có những buổi thuyết minh cho đoàn khách là cô chú cựu chiến binh, tất cả đều đã ngoài 70 tuổi, tôi phải điều tiết giọng nói to, rõ hơn nhưng vẫn phải đảm bảo tính truyền cảm. Buổi thuyết minh kéo dài hơn thường lệ, bởi nội dung thông tin được tôi đưa vào nhiều hơn. Trong không gian trưng bày, rất nhiều cô chú đã không kìm được sự xúc động. Sau khi kết thúc, họ đi tới nắm chặt tay tôi, cứ thế cảm ơn mình. Điều này là động lực để tôi quên đi những vất vả, khó khăn và thêm yêu nghề hơn”.

Chị Thu Nga được các thuyết minh viên tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận xem như người thầy, người bạn của mình, bởi đức tính cẩn trọng, từ tốn, nhẹ nhàng, ham học hỏi trong công việc cũng như bên ngoài cuộc sống. Ngoài chuyên môn tiếng Anh, chị còn học thêm tiếng Pháp, tiếng Trung, dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, viết bài tham gia các buổi hội thảo khoa học, xây dựng nội dung giao lưu về Bác Hồ, trực tiếp biên soạn, dịch thuật từ tiếng Việt sang tiếng Anh nội dung giới thiệu về Di tích lịch sử Dục Thanh và thầy giáo Nguyễn Tất Thành…

Với những cố gắng đưa hình ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước, cùng với tập thể đơn vị, chị Nguyễn Thị Thu Nga đã được nhận giấy khen của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bằng khen của UBND tỉnh biểu dương là cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.              

Thùy Linh