Cào chem chép, lặt đầu cá cơm nuôi 3 con vào đại học
Đời sống - Ngày đăng : 16:46, 15/09/2020
Căn nhà nghèo của gia đình anh Huận, chị Hương
Mấy ai ngờ rằng, trong căn nhà nhỏ tạm bợ, vừa đủ để che nắng che mưa, tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp và xe máy cũ kỹ - là phương tiện để anh Huận và chị Hương di chuyển, mưu sinh, nuôi lớn 3 người con và chắp cánh ước mơ để các em vào giảng đường đại học.
Hai anh em sinh đôi Hoàng Văn Hiệu và Hoàng Văn Hùng vừa bước vào năm thứ 2 của trường Đại học Kinh tế - TP. Hồ Chí Minh. Con gái út Hoàng Thị Hiền hiện là sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế. Tuy nhiên, vẫn ôm ước mơ vào đại học nên em tham gia thi tốt nghiệp THPT năm 2020, để lấy kết quả xét tuyển vào Trường Đại học Sài Gòn hoặc Trường ĐH Khoa học - Xã hội & Nhân văn TPHCM, với nguyện vọng vào đại học công lập để đỡ phần nào chi phí học tập cho gia đình. Hiện đang chờ kết quả.
Mỗi ngày, anh chị tần tảo gồng gánh kinh tế gia đình với biết bao khoản chi tiêu. Những căn bệnh và tuổi tác làm sức khỏe sa sút,... dẫu sao cũng không làm anh Huận, chị Hương chùn bước trước bao khó khăn của cuộc sống.
Anh Huận trước làm nghề mành rút, về sau sức khỏe không đảm bảo, anh chuyển cào chem chép, chang chang. Công việc của anh có khi bắt đầu vào 1, 2 giờ khuya - cái giờ mà theo lẽ thường đã khép lại những bộn bề của công việc thường nhật.
Dụng cụ là chiếc bàn cào và lưới, đơn giản thôi, nhưng với anh chị nó như cần câu cơm. Cặm cụi chuẩn bị đồ nghề, với chiếc xe máy xập xệ. Ngày nào cũng vậy, anh cùng vài người bạn theo chiều con nước mà đi, dọc bờ biển, có khi ra tận Phan Thiết, cũng có lúc xuống tận Bình Châu. Kết thúc công việc, ngày nhiều nhất sau khi trừ chi phí xăng xe cũng chỉ kiếm được 200.000 đồng. Vậy mà anh Huận cũng đã gắn bó với nghề 7, 8 năm qua.
Cũng chừng đó thời gian, chị Hương bám trụ nơi Cảng cá La Gi. Công việc của chị là lặt đầu tôm và phân loại cho một vựa hải sản. Việc làm cũng đòi hỏi thời gian vô chừng, tính chất công việc bấp bênh, phụ thuộc vào biển và tùy vào nguồn hàng lấy được của các tàu khi cập bến. Do môi trường làm việc, công việc đòi hỏi phải ngồi nhiều, chị Hương luôn bị những cơn đau do căn bệnh thoái hóa đốt sống, viêm xoang và đau bao tử hành hạ. Nhưng chưa khi nào chị cho phép bản thân ngừng cố gắng.
Cả hai vợ chồng tần tảo lắm, số tiền kiếm được mỗi tháng chỉ trên dưới 6 triệu đồng. Ăn uống tằn tiện, tiết kiệm nhất có thể các khoản chi, số còn lại anh chị dồn hết gởi cho 3 người con đang học tại TP. Hồ Chí Minh. 3 anh em Hiền thuê chung 1 căn phòng trọ, hằng ngày, ngoài giờ lên lớp, các em đi phụ bán hàng để có thêm thu nhập, trang trãi cuộc sống, đỡ đần một phần gánh nặng kinh tế gia đình.
Anh chị đã từng vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế. Dẫu biết, các con thuộc diện được vay theo chương trình tín dụng đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, từ Ngân hàng Chính sách Xã hội nhưng gia đình không dám nghĩ tới do lo không đủ khả năng chi trả. 3 người con của anh Huận, chị Hương đều mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ tìm được việc làm tại quê nhà, để có thể gần gũi, đỡ đần chăm sóc cho ba mẹ và góp sức xây dựng quê hương.
Trúc My