Dòng sông và những phận người

Đời sống - Ngày đăng : 08:47, 25/09/2020

BT- Dòng sông Dinh được coi là huyết mạch của thị xã La Gi. Bởi con sông không chỉ tạo nên cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hữu tình mà còn cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho hàng ngàn hộ gia đình nơi đây. Đây cũng là nơi neo đậu của hơn 2.000 chiếc thuyền lớn nhỏ. Cũng vì vậy, từ rất lâu trên dòng sông Dinh này đã xuất hiện những nghề mang tính chất dịch vụ. Đó là nghề chèo đò đưa khách sang sông và bán hàng trên sông.
                
Ảnh minh họa.

Những phận đời bên mái chèo sông nước

Chúng tôi đã về sông Dinh trò chuyện với một số người làm nghề chèo đò trên sông và bất ngờ đa phần họ là phụ nữ ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Trưa nắng chang chang, những tia nắng bỏng rát chiếu xuống mặt sông loang loáng. Những làn gió mát từ biển thổi vào không thể xua đi cái nóng như thiêu đốt của mặt trời đang tỏa xuống, cũng không vì thế mà làm chúng tôi chùn bước. Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình khám phá của mình bằng cách làm khách qua sông trên những chuyến đò của các chị, các mẹ trên dòng sông Dinh nơi chảy qua địa bàn thị xã La Gi.

Tiếng gọi đò ơi!... vang lên, dáng một người phụ nữ mảnh mai với bộ đồ sẫm màu, đôi tay lắm vết chai sạn bởi một đời lam lũ cầm mái chèo vội lao tới. Chị khua nhẹ mái chèo đề mũi thuyền cập sát vào bờ giúp khách lên thuyền cho an toàn. Chị lái đò tiếp đón chúng tôi bằng nụ cười hiền từ phúc hậu. Khi khách đã yên vị, đôi tay người phụ nữ bắt đầu khua nước trên sông để thuyền rời bến. Ra khỏi những chiếc tàu đang đỗ, đôi tay buông lơi, đôi chân người phụ nữ bắt đầu lên xuống một cách nhịp nhàng. Chèo thuyền bằng chân cứ nhẹ như thuyền đang chạy bằng máy. Chúng tôi tò mò, thích thú. Chị nói chèo bằng chân quen rồi nên cũng khỏe.

Chúng tôi bắt đầu câu chuyện: “Chị chèo đò lâu chưa?”, tiếng chị lái đò cất lên lanh lảnh vang cả khúc sông: “Tôi chèo đò trên khúc sông này đã 30 năm rồi”.  Giọng chị bỗng trầm xuống: “Dòng sông này không chỉ là nơi mưu sinh tìm miếng cơm, manh áo cho cả gia đình. Nó còn là chiếc cầu nối vô hình đưa tôi tìm đến muôn nẻo những niềm vui để cho cuộc sống cơ cực bớt khổ”.

Số là chị cơ cực từ tấm bé, không học hành đến nơi đến chốn nên không có việc làm ổn định. Tất tả mãi rồi cũng quay về đây làm nghề chèo đò chở khách lên ghe và sang sông. Cũng tại nơi đây, sau nhiều lần đón đưa một vị khách trẻ. Chị và anh đã bén duyên chồng vợ. Năm tháng sinh con, anh đi biển, chị nghỉ ở nhà chăm con. Nhưng tiền chồng kiếm được không đủ cho gia đình chi tiêu dù khá tằn tiện. Chị gửi con trở lại nghề chèo đò. Chị nói ngày ấy đội chèo đò của chị trên sông cũng khá đông. Những buổi trưa vắng khách, các chị neo thuyền cùng ăn cơm và trò chuyện. Những buồn vui trong cuộc sống cũng được sẻ chia để động viên nhau cùng cố gắng.

Câu chuyện bị ngắt quãng khi 1 chiếc thuyền chạy song song, người phụ nữ chèo đò thuyền bên hỏi vọng sang “sáng giờ chở được nhiều chưa? Tôi hôm nay ế quá”. Chúng tôi kịp nhìn qua để bắt chuyện với chị “tụi em sẽ trả tiền, chị cùng đi trò chuyện cho vui”.

Được lời như cởi tấm lòng, chị cười bảo: “Tôi năm nay 70 tuổi rồi, làm nghề chèo đò gần 50 năm”. Vừa nói, tay chị vừa gỡ chiếc khẩu trang ra. Nhìn tấm thân gầy guộc, đôi mắt thâm sâu vì nhiều đêm mất ngủ của chị, chúng tôi hiểu rằng cuộc sống của chị cũng chẳng yên bình. Tranh thủ cơ hội tiếp chuyện với chị, chúng tôi được biết gia đình chị có 2 người con nhưng chồng không có thu nhập. Bởi thế, mọi chi tiêu hàng ngày, hay thuốc men lúc trái gió trở trời đều phải trông chờ vào đôi tay xuôi mái chèo của chị. Gần đây, con chị bị tai nạn giao thông đang cấp cứu trong Sài Gòn. Thương con, chị cũng đành để chồng vào chăm. Chị không dám bỏ mái chèo vì “biết lấy tiền đâu thêm vào thuốc thang, lo ăn uống cho bầy trẻ”.

Không chỉ chèo đò đưa khách sang sông, nhiều phụ nữ còn chèo đò bán hàng, len lỏi thuyền giữa những chiếc ghe cập bến. Những mặt hàng được mang bán luôn đa dạng, phong phú. Từ chai nước lọc, bao thuốc lá, kẹo, bánh… đến gạo, mắm muối, tiêu tỏi. Bán hàng cho ghe ra khơi, ghe về lại chèo thuyền ra gom ve chai về bán. Những chiếc thuyền chở nặng những chai lọ được chuyển lên bờ mang đến các vựa ve chai đổi ra tiền.

Chị Thúy - người bán hàng trên thuyền cho biết: “Bất kể khi nào ghe gọi đều phải mang hàng ra hoặc chở hàng về kể cả đêm đã khuya lắc. Nếu không chịu khó phục vụ sẽ dễ dàng mất mối”.

Những chiếc đò nhỏ mưu sinh giữa dòng đời xuôi ngược, ai biết rằng mỗi nhịp chèo của những người phụ nữ nghèo là một nỗi niềm buồn vui khó tả. Có những gia đình vài ba đời làm nghề chèo đò. Mẹ “nối nghiệp” bà, con lại “nối nghiệp” mẹ. Phận chèo đò - như những người phụ nữ nhỏ bé ấy tâm sự, chỉ gói gọn trong vài chữ vất vả, khổ cực.

Mùa mưa, biển động, tàu thuyền ít ra vào bến, người qua sông cũng vắng nên thu nhập của chị em chèo đò cũng giảm hẳn. Chưa kể những ngày trời gió, sóng nước nổi cuộn nên chèo đò khá vất vả. Thường thì các chị chỉ dùng đôi chân khua mái chèo nhưng ngày thời tiết khác thường, đôi tay cũng phải hoạt động một cách khéo léo, nhịp nhàng mới điều khiển được con đò ít chòng chành đi đúng hướng.  

Hiểm nguy luôn rình rập

Nghề chèo đò đã vất vả, cơ cực nhưng nào có yên ổn để làm ăn. Chị Mừng cho biết: “Việc bảo kê, tranh giành khách cũng diễn ra trên sông. Mình muốn yên ổn làm ăn nhưng có những người vừa tham lam lại hung dữ”. Họ giành địa phận và tuyên bố bất cứ ai cũng không được vào vùng đó. Khi nghe chúng tôi hỏi: “Họ sẽ làm gì? Đã có vụ nào ẩu đã xảy ra chưa?” Chị Mừng cho biết: “Họ cố tình lái lấy thuyền gây ra va chạm, chửi bới, hăm dọa. Chị em chúng tôi còn gia đình nên thường nhịn cho yên thân”.

Nghề chèo đò trên sông nước cũng khá nguy hiểm. Thế nhưng theo quan sát của chúng tôi, không có chiếc thuyền nào nơi đây có bảo hộ. Khi được hỏi, sao không có áo phao cho khách đi thuyền phòng khi bất trắc? Chị lái đò nói rằng: “Họ là khách quen phần lớn là ngư dân đi biển nên ai cũng biết bơi. Số khác là dân sống ven biển nên cũng bơi thành thục từ nhỏ”.

Chúng tôi hiểu vì chủ quan nên các chủ đò nói thế, giữa dòng nước cuộn trôi mênh mông như thế nếu có bất trắc xảy ra cũng khó mà ứng cứu. Đã có biết bao vụ đuối nước xảy ra mà người bơi khá giỏi lại thiệt mạng.

Lênh đênh trên sóng nước từng ngày kiếm sống để lo cho gia đình nhỏ bé sau lưng. Chúng tôi cứ thấy thương mãi hình ảnh những người phụ nữ bé nhỏ cùng những con đò nhỏ cô đơn trên bến sông dài rộng. Dù cuộc sống của họ còn nhiều gian nan, vất vả nhưng những người phụ nữ nhỏ bé ấy vẫn vươn lên bằng tất cả nghị lực phi thường. Bởi sau lưng họ vẫn còn có cả một gia đình với những khát vọng vươn tới một cuộc sống tươi đẹp vẫn luôn mãnh liệt.

Phan TuyẾt