Cảnh báo sạt lở ven biển Tuy Phong

Đời sống - Ngày đăng : 09:54, 29/09/2020

BT- Ông Nguyễn Trung Trực - Phó Bí thư Huyện ủy Tuy Phong cho hay, hiện Tuy Phong có 2 vị trí thường bị sạt lở cần được ưu tiên đầu tư xây dựng kè biển để bảo vệ đất đai, tài sản của nhân dân. Đó là bờ biển thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân vào mùa bấc những năm qua đã bị sóng đánh gây sạt lở nghiêm trọng với chiều dài lên đến khoảng 3.000 m, xâm thực vào đất liền 30- 50 m, gây mất ổn định nhà cửa của người dân và công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu dân cư giáp bờ biển. Đồng thời việc xâm thực này làm hư hỏng hàng chục lều trại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống dọc bờ biển. Gần đó, bờ biển thôn Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Tân cũng bị xâm thực vào đất liền 20 - 30 m, chiều dài khoảng 800 m. Việc xâm thực này làm hư hỏng hàng loạt nhà dân cùng công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hơn 100 hộ dân sinh sống ở đây... Trước đó, bờ biển khu phố 13, 14, thị trấn Liên Hương cũng chịu cảnh sạt lở dài khoảng 1.200 m, xói sâu vào đất liền 50 - 100...
                
      Xâm thực ven biển thôn Vĩnh Tiến.

Mới đây, có mặt tại bờ biển thôn Vĩnh Tiến, chúng tôi chứng kiến hàng chục lán trại nuôi tôm giống, nhà dân ven bờ biển này đã bị sóng xâm thực vào chân kiềng, nghiêng ngã, có căn nhà gần như đổ xuống mặt đất. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản ở đây đã xây kè tạm chắn sóng, nhưng xem ra không mấy đảm bảo trước những cơn sóng mạnh mùa bấc cuối năm. Ông Lê Văn Hùng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Tuy Phong chỉ tay ra phía biển, cho hay: “Nhiều năm về trước, khu vực sản xuất tôm giống Vĩnh Tiến nằm phía ngoài kia khoảng 50m, nay đã bị sóng biển xâm thực toàn bộ, các chủ cơ sở phải di dời vào trong này, nhưng cũng chưa yên bởi gió lớn, triều cường. Nhiều chủ cơ sở tôm giống cùng người dân xây kè tạm chống sạt lở qua thời gian ngắn thôi”. Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Trực cho rằng: “Tại khu vực sạt lở ven biển thôn Vĩnh Tiến, huyện đang xúc tiến kiến nghị tỉnh, bộ ngành chức năng mời gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất bê tông kè biển từ phụ gia nguyên liệu tro xỉ nhiệt điện Vĩnh Tân đạt tiêu chuẩn như Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, qua đó dùng vật liệu này xây kè ở khu vực biển thôn Vĩnh Tiến, vừa đảm bảo chất lượng vừa giảm chi phí đầu tư. Giải pháp bê tông kè biển khả thi có thể sẽ được áp dụng chống sạt lở khu vực biển thôn Vĩnh Hưng, Vĩnh Tân”. Nếu đây là giải pháp hiệu quả thì Bình Thuận cùng các nhà đầu tư sẽ góp phần giải quyết số lượng tro xỉ lớn tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân phát sinh hàng năm, bảo vệ môi trường, đồng thời hỗ trợ các địa phương ven biển xây kè chống sạt lở các khu vực bị tổn thất sạt lở…

                
      Xây kè tạm ngăn ngừa sạt lở ven biển Vĩnh Tân.

Trong khuôn khổ liên quan này, mới đây đồng chí Dương Văn An, Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND huyện Tuy Phong đã đi khảo sát, nắm bắt tình trạng sạt lở ven biển tại thôn Vĩnh Tiến và ô nhiễm môi trường ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân. Phó Bí thư Tỉnh ủy đã ân cần thăm hỏi, lắng nghe bà con thôn Vĩnh Phúc phản ánh môi trường cơ bản ổn định, không có ảnh hưởng mấy trong gió mùa tây nam; riêng gió mùa đông bắc cuối năm gió thổi mạnh có ảnh hưởng ít bụi… Thông qua khảo sát thực tế, cũng như đề xuất của sở ngành liên quan, địa phương để lãnh đạo tỉnh nắm bắt, kiến nghị bộ ngành chức năng hỗ trợ tỉnh giải pháp thiết thực, phù hợp về đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển ở thôn Vĩnh Tiến cũng như bảo vệ môi trường ở thôn Vĩnh Phúc, nhằm đảm bảo an toàn sản xuất cho các cơ sở, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản và bảo đảm môi trường cho người dân ổn định sinh sống lâu dài.                   

T. Khoa