Tổng Bí thư nhấn mạnh: Tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" vẫn chưa được ngăn chặn, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn.
Chính trị - Ngày đăng : 10:08, 10/10/2016
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư khai mạc Hội nghị Trung ương 4
VOV trân trọng chuyển tới quý vị và các bạn toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư.
|
Thưa các đồng chí Trung ương,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương bắt đầu họp Hội nghị lần thứ tư để thảo luận, cho ý kiến về: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; và một số vấn đề quan trọng khác.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, các đại biểu khách mời đã về dự Hội nghị và xin gửi tới các đồng chí lời chúc tốt đẹp nhất.
Thưa các đồng chí,
Thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ và các ban đảng tích cực chuẩn bị các báo cáo và đề án. Theo Quy chế làm việc, Văn phòng Trung ương Đảng đã gửi tài liệu để các đồng chí nghiên cứu trước. Sau đây, tôi xin phát biểu lưu ý thêm một số khía cạnh liên quan đến các nội dung và nhiệm vụ của Hội nghị, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề, mong được các đồng chí quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định.
1- Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017
Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, cũng có không ít khó khăn, thách thức. Thành công của Đại hội XII đã tạo ra xung lực và khí thế mới cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau Đại hội Đảng, Trung ương đã lãnh đạo tiến hành thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; sớm kiện toàn các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; khẩn trương xây dựng và tích cực tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và 5 năm 2016 - 2020.
Toàn hệ thống chính trị đã tích cực kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và bình tĩnh, tỉnh táo xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới phát sinh do tác động bất lợi của tình hình không thuận như: Kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường; giá dầu thô giảm mạnh, duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với dự kiến kế hoạch, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước và sự phát triển của ngành Dầu khí.
Tình trạng khô hạn kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long; rét đậm, rét hại, bão lụt ở một số tỉnh phía Bắc, sự cố môi trường nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển nông nghiệp, đời sống của nông dân.
Đề nghị các đồng chí bám sát các báo cáo, tờ trình của Bộ Chính trị và thực tế tình hình ở các ngành, lĩnh vực và địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện sự phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2016. Chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích làm rõ các nguyên nhân. Chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức khoảng 6,7%; phát triển văn hoá - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, giữ vững môi trường hoà bình và ổn định để phát triển đất nước.
Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, nắm bắt thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, xác định rõ mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2017 và đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp có tính khả thi cao. Đặc biệt chú trọng các chính sách, biện pháp đột phá để kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đẩy mạnh tái cấu trúc đầu tư công, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công và hệ thống các ngân hàng thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
2- Về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế
Đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới. Xuất phát từ thực tế 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra nhanh chóng, Đại hội XII đã bổ sung, phát triển chủ trương quan trọng này và đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tờ trình và Đề án trình Hội nghị Trung ương lần này đã đánh giá khái quát tình hình đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế ở nước ta những năm qua, chỉ ra 7 kết quả, 6 hạn chế, yếu kém, 3 nguyên nhân chủ yếu và 5 bài học kinh nghiệm; từ đó đề xuất những quan điểm và định hướng một số chủ trương, chính sách lớn tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu, thảo luận thật kỹ, cho ý kiến sát thực đối với từng vấn đề, chú ý những vấn đề lớn, vấn đề mới và khó, nhất là những đề xuất đổi mới quan trọng, nhạy cảm như đã nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị.
Về đánh giá tình hình, cần đi sâu phân tích thấu đáo những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém, nhất là những nguyên nhân chủ quan. Phải chăng chủ yếu là do: chưa nhận thức đúng và thống nhất về mô hình tăng trưởng mới với đầy đủ những yếu tố cấu thành động lực, nguồn lực và phương thức tạo ra sự tăng trưởng, thậm chí còn nhìn nhận giản đơn, đồng nhất mô hình tăng trưởng với mô hình phát triển.
Đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chậm, chưa có bước đột phá về huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển theo tín hiệu và cơ chế thị trường. Nhận thức chưa đầy đủ, tổ chức thực hiện chưa tốt ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, trước hết là ba lĩnh vực trọng tâm ưu tiên tái cơ cấu mà nhiệm kỳ khoá XI đã đề ra.
Chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong cải cách căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ kết nối mạng. Chưa tổ chức thực hiện tốt việc phát huy những thời cơ, thuận lợi, khắc phục những khó khăn, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế nói chung và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế nói riêng?...
Về quan điểm, định hướng chủ trương, chính sách lớn, đề nghị các đồng chí bám sát Nghị quyết và các Văn kiện Đại hội XII để thảo luận, cụ thể hoá, bổ sung phát triển nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội. Xác định rõ mô hình tăng trưởng cần phấn đấu xây dựng với những đổi mới so với mô hình tăng trưởng hiện nay; lộ trình, bước đi trong 5 - 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2030; các chủ trương, chính sách, biện pháp phát huy vai trò của khoa học - công nghệ, chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng lao động, trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân; chủ trương về tích tụ, tập trung quyền sử dụng đất nông nghiệp; chính sách, biện pháp xử lý căn bản hơn vấn đề nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém…
3- Về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh mới
Cách đây gần 10 năm, để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế thành công khi nước ta tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ngày 5/2/2007, Ban Chấp hành Trung ương khoá X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW "Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới".
Từ đó đến nay, nhất là những năm gần đây, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có bước phát triển mới cả về chiều rộng và chiều sâu thông qua việc ký kết, thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm những thoả thuận không chỉ về tự do hoá thương mại và đầu tư mà còn gồm cả các cam kết về lao động, công đoàn, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và nhiều vấn đề về chính trị, văn hoá, xã hội rất phức tạp và nhạy cảm khác.
Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức hình thành vào cuối năm 2015, triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc, với Liên minh Kinh tế Á - Âu, đặc biệt là việc ký kết và chuẩn bị phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do với EU đã và sẽ mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức mới, không chỉ về kinh tế mà còn cả về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hoá, xã hội.
Đề nghị các đồng chí nghiên cứu kỹ các tài liệu, thảo luận, cho ý kiến về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này; đánh giá toàn diện, khách quan bối cảnh, tình hình, những tác động tích cực và tiêu cực, đặc biệt là những yếu tố tác động đến ổn định chính trị - xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. Nhận định chính xác những cơ hội và thách thức đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong 5 - 10 năm tới. Làm rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và một số chủ trương, chính sách lớn bảo đảm vừa hội nhập kinh tế quốc tế thành công vừa giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Trong quá trình này, cần bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về hội nhập quốc tế, tình hình thực hiện Nghị quyết 08 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về việc gia nhập WTO, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị khoá XI về hội nhập quốc tế và Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI "Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" để xem xét, ban hành một Nghị quyết chuyên đề của Trung ương nhằm kế thừa, bổ sung phát triển các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp với tình hình đất nước, khu vực và thế giới.
Tập trung làm rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo sắp tới là gì để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Xác định cụ thể, rõ ràng những chính sách, biện pháp ngăn chặn, xử lý những thách thức, tác động tiêu cực từ việc thực hiện các cam kết quốc tế mới có thể xảy ra, đặc biệt là những thách thức, tác động tiêu cực đối với nông nghiệp và nông dân, với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi mở cửa thị trường, đưa thuế xuất nhập khẩu hầu hết các mặt hàng về bằng không; đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội khi thực hiện các cam kết về lao động - công đoàn, tự do hoá thị trường dịch vụ, trong đó có thị trường dịch vụ tài chính - tiền tệ, dịch vụ viễn thông, Internet và các mạng xã hội...
4- Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Như chúng ta đều biết, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Đại hội XII của Đảng đã đề ra 10 nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định, Hội nghị lần này cần thảo luận, ra Nghị quyết về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ".
Đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách. Tại các Đại hội VIII, IX, X và XI, Đảng ta đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Đại hội XII của Đảng tiếp tục cảnh báo và đặt ra yêu cầu: "Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; coi đây là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu liên quan gửi Trung ương đã nêu khá đầy đủ các nội dung của Đề án. Đề nghị các đồng chí cho ý kiến về tên gọi, chủ đề và phạm vi của Đề án, có gì cần bổ sung, điều chỉnh. Từ đó, đánh giá đúng tình hình và nguyên nhân; xác định rõ mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, biện pháp phù hợp đối với từng nội dung, vấn đề.
Trên cơ sở kế thừa các nghị quyết của Trung ương trước đây, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, đề nghị nghiên cứu bổ sung, làm rõ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống là thế nào? Những biểu hiện như đã nêu trong Tờ trình, Đề án và Dự thảo Nghị quyết đã đủ rõ chưa, cần phải nhận diện thêm vấn đề gì? "Tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra sao?
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, đề nghị các đồng chí đi sâu phân tích, mổ xẻ, làm rõ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu. Đề án nêu ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Những nhóm giải pháp nêu trên đã chính xác, đủ mạnh và khả thi để làm chuyển biến tình hình chưa? Cần bổ sung thêm giải pháp nào, nội dung từng nhóm giải pháp cần lưu ý thêm vấn đề gì? Những giải pháp nào chúng ta có thể tổ chức thực hiện ngay; những giải pháp cần có thêm quy định, hướng dẫn thì cách thức tổ chức thực hiện thế nào?...
Thưa các đồng chí,
Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, bao gồm cả việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đề nghị các đồng chí phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án, dự thảo các nghị quyết, kết luận của Trung ương và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn./.
VOV