Hiệu quả từ những cuộc đối thoại với dân
Đời sống - Ngày đăng : 09:52, 04/10/2020
Ngay sau khi bài thuyết trình (thuyết trình viên của ngành Bưu điện) kết thúc, ông Bùi Xuân Hòa, mái tóc đã ngả màu muối tiêu hỏi: Tôi đã 50 tuổi rồi nếu tham gia BHXH tự nguyện 20 năm để hưởng lương hưu thì quá lâu, có biết còn sống đến đó được hay không? Câu hỏi này không chỉ ông Hòa mà nhiều người khác dự buổi đối thoại cũng băn khoăn tương tự. Chị Nguyễn Thị Thắng, cũng có ý kiến tiếp: Khi người tham gia BHXH tự nguyện đóng chưa đủ 20 năm, nhưng không may qua đời thì thân nhân được hưởng quyền lợi như thế nào? Còn bà Lê Thị Lan hỏi: Gia đình tôi làm nông có lúc bán được nông sản có tiền đóng bảo hiểm, nhưng khi mùa màng thất bát thì tạm ngừng đóng một thời gian có được không?
Người dân nghe thuyết trình chính sách BHXH tự nguyện
Những điều người dân băn khoăn được ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc BHXH Hàm Tân và bà Hồ Thanh Nhật Bảo, thuyết trình viên Bưu điện tỉnh đã giải đáp cụ thể từng vấn đề. Trước hết là trường hợp tham gia BHXH tự nguyện lần đầu ở tuổi 50, để 60 tuổi hưởng lương hưu thì ông có thể đóng một lần cho nhiều năm (tối đa là 5 năm), trong thời gian 10 năm ông có thể đóng bảo hiểm cho đủ 20 năm, điều này luật cho phép. Mỗi lần đóng ông được nhà nước hỗ trợ 30% nếu là hộ nghèo; hỗ trợ 25% nếu là hộ cận nghèo và hỗ trợ 10% thuộc các đối tượng khác.
Trường hợp chị Lan băn khoăn cũng được thuyết trình viên giải đáp: Theo quy định của luật thì người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng một lần cho nhiều tháng, nhiều năm hoặc có thể đóng từng tháng, từng quý. Trường hợp bị mất mùa, không có tiền đóng thì người tham gia có thể tạm dừng một thời gian sau đó đóng tiếp. Trường hợp người tham gia qua đời khi chưa đóng đủ 20 năm thì người tham gia được hưởng chế độ mai táng phí (10 tháng lương cơ bản); thân nhân của người tham gia được hưởng chế độ tuất một lần tính theo năm đã đóng BHXH. Cứ 1 năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (tham gia đóng trước năm 2014); bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng BHXH từ sau năm 2014). Đối với người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian đóng chưa đủ một năm thì mức trợ cấp bằng số tiền đã đóng, nhưng tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. Đối với trường hợp đang hưởng lương hưu bị chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần tính theo thời gian đã hưởng lương hưu.
Bà Lê Thị Hảo tiếp tục hỏi: Khi chúng tôi đóng đủ BHXH tự nguyện 20 năm, thì quyền lợi được hưởng là gì? Ngoài lương hưu, chế độ tuất người tham gia còn được hưởng các chế độ khác như: Lương hưu và trợ cấp BHXH không phải đánh thuế; lương hưu được điều chỉnh theo quy định (có thể điều chỉnh hàng năm); người hưởng lương hưu không phải đóng BHYT, nhưng vẫn được cấp thẻ BHYT hàng năm…
Tặng quà lưu niệm cho người dân đăng ký tham gia BHXH tự nguyện
Dường như cả 38 người tham dự cuộc đối thoại tại xã Tân Đức hôm ấy đã thấu hiểu về chính sách BHXH tự nguyện, nên nhiều người đã tự nguyện đăng ký tham gia với mức thu nhập từ 700.000 đồng đến 4.000.000 đồng/tháng. Kết quả sau hơn 2 giờ tuyên truyền, đối thoại, trực tiếp về chính sách BHXH tự nguyện đã có 20 người đăng ký tham gia; nâng tổng số trên địa bàn xã Tân Đức có 40 người tham gia BHXH tự nguyện; đa số người tham gia ở mức thu nhập 700.000 đồng đến 3 triệu đồng/tháng (mức phí đóng 22%).
Như vậy, đến nay toàn huyện Hàm Tân đã tổ chức được 8 cuộc tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với người dân của 6 xã về chính sách BHXH tự nguyện và đã có gần 500 người tham gia BHXH tự nguyện. BHXH và Bưu điện huyện Hàm Tân phấn đấu đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu được giao 800 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong những tháng trước đây, tuy dịch bệnh Covid-19 lây lan, đời sống việc làm gặp nhiều khó khăn…nhưng người dân đã tích cực đăng ký tham gia BHXH tự nguyện với hy vọng khi về già có một cuộc sống ổn định từ tiền lương hưu. Đồng thời, được Nhà nước quan tâm chăm sóc sức khỏe qua tấm thẻ BHYT.
Lê Thanh