Thiếu bác sĩ khám bệnh do thiếu chứng chỉ hành nghề
Xã hội - Ngày đăng : 09:10, 11/10/2017
Theo Luật Khám, chữa bệnh năm 2009 và các thông tư liên quan, bác sĩ chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề khi trải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là 18 tháng. Theo quy định, những bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề không được khám và điều trị và nếu có thì các ca khám, điều trị không được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Luật quy định đúng, đủ và rõ ràng, song khi áp dụng thực tế đã nảy sinh bất cập, do các trung tâm y tế tuyến huyện thu hút, tuyển dụng bác sĩ rất khó khăn và nếu tuyển bác sĩ mới ra trường thì phải đợi đúng 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề để được khám, chữa bệnh.
Thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề đang là vấn đề chung ở các trung tâm y tế tuyến huyện. Trung tâm tuyến huyện cũng phải thực hiện đầy đủ các chuyên khoa nhưng lượng bác sĩ lại quá ít. Do không thanh toán được chi phí khám, chữa bệnh BHYT nên các trung tâm y tế thường không bố trí bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề khám, điều trị bệnh. Có những thời điểm bệnh nhân đến đông, khi các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám, chữa trị thì bệnh viện lại mắc phải quy định về tần suất khám bệnh là không được khám quá 45 lượt bệnh nhân/ngày.
Thực trạng thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề dẫn đến ảnh hưởng công tác khám, chữa bệnh, thanh toán BHYT, trong đó một phần có lỗi của các trung tâm y tế tuyến huyện. Các trung tâm y tế đã thiếu chủ động nghiên cứu các văn bản quy định như Thông tư 41/2011/TT-BYT, Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các văn bản này quy định rõ: Các bác sĩ trong thời gian thực hành có thể thực hiện khám, chữa bệnh dưới sự hướng dẫn của bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề. Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân được lập bởi các bác sĩ trong thời gian thực hành có sự chịu trách nhiệm của người hướng dẫn thì hoàn toàn có thể thanh toán BHYT.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với các trung tâm y tế tuyến huyện theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, Quyết định số 3959/QĐ-BYT ngày 22/9/2015 của Bộ Y tế định mức số lượng khám bình quân để sử dụng cho việc tính lương kết cấu vào giá dịch vụ KCB đối với các hạng bệnh viện đều không vượt quá 45 lượt khám/bàn/ngày (8 giờ). Cơ quan BHXH chỉ thanh toán tiền khám bệnh theo định mức do Bộ Y tế quy định. Trong trường hợp đột xuất người bệnh đến đông, cơ sở khám, chữa bệnh phải bố trí thêm bàn khám, bác sĩ khám hoặc tạm thời tổ chức khám ngoài giờ để phục vụ người bệnh thông báo cho cơ quan BHXH biết để thẩm định thanh toán, phối hợp điều tiết nhằm đảm bảo chất lượng và quyền lợi người bệnh.
Tuy nhiên, thực tế quy định này đang gây khó khăn trong hoạt động của các cơ sở y tế tuyến huyện cũng như các trạm y tế, bởi hiện nay các cơ sở y tế tuyến huyện, cơ sở đang trong tình trạng thiếu bác sĩ, vào những thời điểm lượng bệnh nhân tăng đột xuất, nếu theo quy định trên sẽ không đủ bác sĩ khám bệnh. Riêng mỗi trạm y tế chỉ có 1 bác sĩ, nếu trạm y tế nào khám số lượng bệnh nhân trên 45 người/ngày sẽ gặp khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế.
Phương Danh