Bảo hiểm học sinh nhằm chăm sóc tốt về thể chất, sức khỏe cho các em    

Xã hội - Ngày đăng : 09:27, 10/10/2017

BTO- Bước vào năm học mới 2017-2018, báo Bình Thuận online tổ chức buổi tọa đàm với lãnh đạo, cán bộ chuyên môn cơ quan BHXH tỉnh nhằm chuyển tải những thông tin cần thiết trong việc triển khai BHYT HSSV.  Tham gia buổi tọa đàm hôm nay có ông Đặng Minh Thông, phó giám đốc BHXH tỉnh; ông Phạm Đình Cang, Trưởng phòng khai thác và thu nợ BHXH tỉnh.

PV: Mục tiêu hết năm 2017 có 100% học sinh tham gia BHYT, nhưng năm học 2016-2017 mới đạt tỉ lệ 89,53%. So với kế hoạch đạt còn thấp, nguyên nhân do đâu?

Ông Đặng Minh Thông: Thứ nhất, TE khi sinh ra đến khi bắt đầu vào lớp một, giai đoạn này được hưởng chính sách BHYT do nhà nước cấp. Với tiền lệ đó, một bộ phận người dân có tư tưởng ỷ lại, tiếp tục trông chờ vào chính sách, sự quan tâm của Nhà nước. Thêm nữa, nhiều phụ huynh nghĩ rằng ở lứa tuổi này các em cũng ít khi đau ốm, bệnh tật. Từ đó, tỷ lệ tham gia BHYT học sinh đạt thấp nằm ở nhóm tuổi này.

 

Thứ hai, thời gian qua Bộ Giáo dục có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện BHYT học sinh, mà rõ nét là việc đưa chỉ tiêu thực hiện BHYT học sinh, sinh viên vào tiêu chí đánh giá thi đua, bình xét hằng năm của giáo viên, nhà trường. Tuy nhiên, thang điểm chấm cho tiêu chí này vẫn còn khiêm tốn, không ảnh hưởng nhiều đến thi đua hằng năm tại đơn vị. Từ đó, sự quan tâm chỉ đạo của Ban giám hiệu ở một số điểm trường còn tương đối lỏng lẻo, hình thức, hiệu quả đạt được chưa cao.

Thứ ba, nhiều hộ gia đình đông con nhất là những gia đình lao động biển (tập trung ở Tuy Phong, TX La Gi, TP. Phan Thiết) ít tham gia vì vào đầu năm học số tiền đóng học phí cho 3 con trở lên là rất nhiều nên họ ngại tham gia BHYT.

Thứ tư, trang thiết bị vật chất của các cơ sở y tế phục vụ cho việc khám chữa bệnh BHYT còn hạn chế, chất lượng và kết quả điều trị chưa cao, nhất là tuyến xã, phường, thị trấn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác vận động học sinh tham gia BHYT nói riêng, BHYT hộ gia đình nói chung.

 PV: BHYT là hình thức bắt buộc toàn dân tham gia không loại trừ học sinh sinh viên. Vậy giải pháp nào để Năm học 2017-2018 phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT?

Ông Đặng Minh Thông: Thứ nhất, công tác tuyên truyền, vận động phải được thực hiện thường xuyên để nâng cao nhận thức của học sinh, gia đình các em trong việc tham gia BHYT. Tuỳ từng cấp học khác nhau mà lựa chọn hình thức cho phù hợp. Cụ thể như: đối với học sinh tiểu học sự tự ý thức còn hạn chế. Phương pháp tuyên truyền phù hợp là: cấp phát tờ rơi, tờ bướm, tranh ảnh hoặc đối thoại trực tiếp với phụ huynh học sinh. Đối với học sinh THCS, THPT các em đã có sự trưởng thành hơn trong nhận thức. Phương pháp tuyên truyền có thể là: lồng ghép tuyên truyền sinh hoạt dưới cờ, thi hái hoa dân chủ, kết hợp tổ chức diễn kịch trong hội diễn văn nghệ ở trường tìm hiểu về chính sách BHYT…

Thứ hai, định kỳ tổ chức Hội nghị, tập huấn nâng cao kiến thức cũng như phương pháp vận động, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ chuyên trách ở từng điểm trường. Đặc biệt là nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của Ban Giám hiệu, đội ngũ giáo viên, nhất là đối với giáo viên chủ nhiệm. Đây là mắt xích, cầu nối quan trọng giữa cơ quan BHXH với học sinh trong việc vận động, tuyên truyền tham gia.

Thứ ba, theo quy định hiện nay nhóm đối tượng học sinh bắt buộc phải tham gia BHYT tại điểm trường. Ở điểm này cán bộ thu, cán bộ tuyên truyền cần nên nhấn mạnh, giải thích rõ cho các đại lý thu hiểu rõ thực hiện.

Thứ tư, việc nâng cao chất lượng KCB BHYT nhất là tuyến y tế xã, phường, thị trấn cần được quan tâm hơn.

Thứ năm, tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc tăng giá viện phí theo Thông tư 02/2017/TT-BYT áp dụng cho người không có thẻ BHYT, theo đó là chi phí tiền công khám, giá các dịch vụ, VTYT sẽ đồng loạt tăng lên cấp số nhân.. Từ đó, nâng cao ý thức của phụ huynh về việc tham gia BHYT cho con em mình.

Thứ sáu, định kỳ cơ quan BHXH nên có sự tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện BHYT học sinh về UBND cùng cấp, Ban chỉ đạo thực hiện BHYT toàn dân để nắm rõ chỉ đạo.

Một bạn đọc vừa điện qua đường dây nóng nói rằng:  Y tế học đường có vị trí quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Tuy nhiên, hiện nay các trường có nhân viên y tế mới chiếm 46,63%; số trường có phòng y tế chỉ chiếm 55%. Một số trường học hợp đồng với y tế xã, phường để chăm sóc sức khỏe học sinh. Việc trích chuyển kinh phí cho trường còn gặp nhiều khó khăn? Xin ông nói rõ hơn vấn đề này?

 Ông Đặng Minh Thông: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC, thì điều kiện để nhận kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu là điểm trường phải có cán bộ chuyên trách trình độ trung cấp y trở lên và phải có phòng y tế riêng. Nhưng nhìn chung, đa số các điểm trường đều không hội đủ các điều kiện để được cấp kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Theo quy định thì khối giáo dục mầm non: tỷ lệ trích 5%, khối tiểu học, THCS, THPT và ĐH, CĐ: 7%. Năm học 2016-2017 BHXH tỉnh đã trích chuyển 404 trường với tổng số tiền hơn 7,6 tỷ đồng và còn 188 trường chưa trích chuyển do các trường không nộp hồ sơ.

PV: UBND tỉnh có chủ trương cho phép các trường ký hợp đồng với cơ sở khám chữa bệnh, trạm y tế để khám chữa bệnh cho học sinh, (để BHXH có cơ sở chuyển kinh phí), vậy giải pháp này có khả thi không trong lúc cán bộ trạm y tế còn thiếu không thể có mặt tại trường 24/24h?

 Ông Đặng Minh Thông:Không những UBND tỉnh mà ngay cả BYT-BGD&ĐT cũng cho phép ký hợp đồng với TYT, PKĐKKV để cssk cho hssv. (Khoản 2. Điều 8. TT13/2016/TTLT- BYT-BGD&ĐT). BHXHVN quy định trong HĐ nhân viên y tế phải có mặt thường xuyên nghĩa là khi các em hs bị tai nạn hay bị bệnh đột xuất thì cán bộ y tế phải có mặt ngay tại trường để xử lý cho các em.

PV:  Ông có kiến nghị gì với các cấp, các ngành để công tác BHYT học sinh  thực hiện đạt hiệu quả cao?

 Ông Đặng Minh Thông: Vào năm học mới, để BHYT hssv đạt hiệu quả cao, các sở, ban ngành luôn đồng hành cùng với BHXH trong việc triển khai thực hiện BHYT hssv. Vừa qua, Liên ngành: Giáo dục & Đào tạo, Y tế, Tài chính và BHXH tỉnh Bình Thuận đã có văn bản số 1005/HDLN-GDĐT-YT-TC-BHXH ngày 03/8/2017 hướng dẫn chi tiết thực hiện BHYT học sinh, sinh viên năm học 2017-2018. Những vướng mắc, kiến nghị đã được giải quyết tại văn bản này.

Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo và giao chỉ tiêu cho các đơn vị trực thuộc Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; các Trường Cao đẳng trên địa bàn tỉnh thực hiện đạt 100% học sinh, sinh viên; Phối hợp với BHXH và các đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện BHYT cho học sinh theo quy định của Luật BHYT; 

BHXH tỉnh luôn phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách BHYT đối với phụ huynh và học sinh; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Y tế hướng dẫn thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên ; Chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại các xã, phường, thị trấn, các tổ chức địa phương, các trường học trong công tác vận động, đề ra giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia BHYT của nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên.

Sở Tài chính tham mưu, trình UBND tỉnh bố trí ngân sách hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho học sinh, sinh viên kịp thời

Sở Y tế thì chỉ đạo các cơ sở KCB nâng cao y đức đội ngũ thầy thuốc, tăng cường chất lượng KCB.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức có liên quan, đề ra giải pháp nhằm tăng tỷ lệ tham gia BHYT của đối tượng học sinh tại địa phương đạt 100%.

Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với BHXH huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các Nhà trường thực hiện tốt công tác BHYT học sinh, sinh viên; đảm bảo 100% học sinh tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT

Xin cám ơn hai ông đã tham gia buổi tọa đàm này.

Lê Thanh - Hồng Châu