Tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài: Giảm nhưng còn phức tạp

Xã hội - Ngày đăng : 08:35, 16/10/2017

BT- Từ đầu năm đến nay, tàu thuyền đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân trong tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2016. Dù vậy, tình trạng này vẫn còn diễn ra khá phức tạp và khó kiểm soát.
                
Cần bắt buộc tàu thuyền đánh bắt xa bờ phải mở    máy định vị 24/24.

Mất hàng trăm triệu đồng để được tự do

Ngày 15/9 vừa qua, ông Trần Thanh Phương trú tại phường Phước Lộc, thị xã La Gi là chủ, kiêm thuyền trưởng tàu cá BTh 96468 TS, cùng 6 thuyền viên đã được trở về nhà sau khi nộp 200 triệu đồng tiền phạt cho cơ quan chức năng của Malaysia. Ngoài số tiền phạt trên, ông Phương còn phải chi thêm 100 triệu đồng để mua vé máy bay về nước. Dù đã mất số tiền khá lớn, nhưng chỉ có người là về được, còn chiếc tàu - cần câu cơm của ông và gia đình đã bị chìm phải bỏ nơi xứ người. Trước đó, vào ngày 7/8 tàu BTh96468 TS có công suất 170CV hành nghề câu khơi, xuất bến tại Rạch Giá, Kiên Giang. Đến ngày 18/8 thì bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ. Tuy nhiên, trường hợp của ông Phương vẫn còn may mắn khi được nộp tiền phạt rồi trở về. Bởi nhiều ngư dân khác sau khi bị bắt giữ đã bị phạt tù và chỉ được trả về sau khi có sự can thiệp của Đại sứ quán. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ/5 tàu cá/38 ngư dân hành nghề trên biển bị nước ngoài bắt giữ (giảm 6 vụ/13 tàu cá/127 ngư dân so cùng kỳ 2016). Trong đó nhiều nhất vẫn là La Gi (3 vụ/4 tàu cá/30 ngư dân). Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có 11 vụ/3 tàu cá/110 ngư dân được trả về. Tuy nhiên hiện vẫn còn hàng chục ngư dân khác của tỉnh đang bị các nước có vùng biển giáp ranh giam giữ.

Quản lý chặt tàu thuyền hoạt động xa bờ

Việc ngư dân của tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài nở rộ trong những năm gần đây, khi nguồn lợi thủy sản tại các ngư trường truyền thống ngày càng cạn kiệt. Mặc dù công tác tuyên truyền được các cơ quan chức năng, các địa phương tích cực đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và cảnh báo những hậu quả khó lường khi đánh bắt trái phép trên vùng biển nước khác, nhưng vì cái lợi trước mắt nhiều chủ thuyền vẫn bất chấp nguy hiểm, rủi ro để xâm phạm trái phép vùng biển nước khác để khai thác hải sản. Trong khi đó, việc quản lý tàu thuyền hành nghề đánh bắt xa bờ vẫn còn hạn chế. Bởi các cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý tàu thuyền trước khi xuất bến, còn sau khi đã ra khơi thì ngư dân làm gì, đi đánh bắt ở đâu khó có thể kiểm soát được.

Hiện nay nhiều tàu đánh bắt xa bờ cũng đã được trang bị máy liên lạc tầm xa tích hợp định vị GPS (chủ yếu là tàu được hỗ trợ theo Nghị định 67 và Quyết định 48 của Chính phủ), nhưng khi ra khơi vẫn cố tình tắt thiết bị này và chỉ thông báo tọa độ, khu vực đánh bắt về Chi cục Thủy sản theo định kỳ để được hỗ trợ, chứ không mở liên tục. Vì vậy trong thời gian tới, thiết nghĩ cần phải có quy định bắt buộc các tàu thuyền công suất lớn hành nghề khơi xa, phải trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS),  và  phải bật thiết bị này liên tục khi hành nghề trên biển, có như vậy cơ quan chức năng mới có thể quản lý, giám sát được tàu thuyền sau khi đã ra khơi nhằm ngăn chặn tình trạng tàu thuyền xâm phạm lãnh hải nước ngoài  trái phép.

Đình Nhượng