Ba Lan trục vớt “quả bom động đất” nặng 5 tấn từ thế chiến thứ hai gần biển Baltic

Quốc tế - Ngày đăng : 16:37, 12/10/2020

Ngày 12/10, các thợ lặn của quân đội Ba Lan sẽ bắt đầu tháo gỡ một quả bom lớn còn sót lại từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai, bị chôn vùi dưới kênh đào gần biển Baltic.

Quả bom lớn nặng 5 tấn, có biệt danh “Tallboy” và còn được gọi là “bom động đất”, do Không quân Hoàng gia Ba Lan thả xuống trong cuộc tấn công một tàu chiến của Phát xít Đức năm 1945.

Quả bom này được tìm thấy vào năm 2019 trong quá trình nạo vét lòng kênh ở gần thành phố cảng Swinoujscie (trước đây là Swinemunde), tại cực Tây Bắc của Ba Lan.

Quả bom Tallboy trong quá trình đưa vào máy bay ném bom Avro Lancaster. Ảnh: Không quân Hoàng gia Anh 

Grzegorz Lewandowski, người phát ngôn của Lực lượng phòng vệ bờ biển số 8 thuộc Hải quân Ba Lan nói với AFP rằng: “Đây là nhiệm vụ đầu tiên thuộc dạng này trên thế giới. Từ trước tới nay chưa từng có nước nào tiến hành trục vớt và tháo gỡ quả bom Tallboy trong tình trạng còn tốt và đang nằm dưới nước”.

Khoảng 750 người dân địa phương đã được sơ tán khỏi khu vực trong phạm vi bán kính 2,5km tính từ vị trí quả bom. Công tác tháo gỡ quả bom dự kiến sẽ kéo dài trong 5 ngày.

Đồng thời, các quan chức cũng tiến hành phong tỏa hoạt động lưu thông hàng hải tại kênh đào trong bán kính 16km.

“Chúng tôi sẽ dành 2-3 ngày đầu để chuẩn bị. Các thợ lặn sẽ đào xung quanh quả bom được đặt dưới lòng kênh ở độ sâu 12m”, theo ông Lewandowski.

“Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn vì chỉ một chuyển động nhỏ nhất cũng có thể khiến quả bom phát nổ”, ông Lewandowski nói và cho biết thêm, phương án cho quả bom nổ trong tầm kiểm soát đã bị loại bỏ vì nó có nguy cơ phá hủy một cây cầu cách đó 500m.

Thay vào đó, các thợ lặn của Ba Lan sẽ đốt cháy chất nổ bên trong mà không gây nổ hoàn toàn quả bom bằng cách sử dụng một thiết bị được điều khiển từ xa.

Theo AFP, quả bom có chiều dài 6m và chứa 2,4 tấn thuốc nổ, tương đương 3,6 tấn thuốc nổ TNT.

Trong giai đoạn Thế chiến thứ hai, quả bom Tallboys được thiết kế để xuyên phá và phát nổ trong lòng đất, đồng thời kích hoạt sóng xung kích để phá hủy mục tiêu.

CTV Mai Trang/VOV