Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Chính trị - Ngày đăng : 11:39, 14/10/2020
Đại tướng Lương Cường - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu. |
Phát biểu khai mạc tại đại hội, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, trong 5 năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đạt nhiều kết quả tích cực. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 có trách nhiệm tiến hành kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, rút ra những kinh nghiệm sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành nhiệm kỳ qua. Trên cơ sở đó, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và các khâu đột phá cần tập trung lãnh đạo thực hiện, nhằm đưa tỉnh nhà phát triển toàn diện, bền vững và mạnh hơn trong 5 năm đến (2020 – 2025).
Tại đại hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã trình bày báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII. Trong đó, nhấn mạnh những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, nhất là thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước chuyển dần từ tăng trưởng chiều rộng sang tăng trưởng chiều sâu. Nổi bật, kinh tế của tỉnh trong 5 năm qua tăng trưởng khá (GRDP tăng bình quân 7,64%) và có sự bứt phá trong giai đoạn 2018 - 2019. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 là 7% (mục tiêu tăng 5,5%). Sự nghiệp y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tiến bộ. Chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục được nâng lên. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh được tập trung chỉ đạo thường xuyên…
Bên cạnh, báo cáo chính trị cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, như cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chất lượng tăng trưởng nền kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm; thu hút các dự án thứ cấp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp còn khó khăn... Ngoài ra, một số vấn đề xã hội bức xúc, nhất là vấn đề môi trường, tệ nạn ma túy chưa được giải quyết căn bản...
Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; bảo đảm quốc phòng – an ninh; chủ động liên kết, hợp tác và hội nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; huy động và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực…Trong đó, một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021 – 2025 là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân khoảng 7,3 - 7,5%/năm; trong đó, GRDP nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng 11,5 - 12%; dịch vụ tăng 7 - 7,5%%; nông - lâm - thủy sản tăng 2,8 - 3,3%...
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Đại tướng Lương Cường đánh giá cao những kết quả đạt được của Bình Thuận trong nhiệm kỳ qua. Trong đó nhấn mạnh, ngành công nghiệp năng lượng có sự bứt phá mạnh mẽ với nhiều loại hình năng lượng, đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước. Ngành du lịch giữ vững được thương hiệu và uy tín, sức hấp dẫn ngày càng tăng, đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh…Song song, công tác xây dựng Đảng đạt kết quả khá toàn diện, hệ thống chính trị ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Công tác kiểm tra, giám sát và phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh; ý thức tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên…Đây chính là cơ sở, tiền đề để Bình Thuận phát triển nhanh và vững chắc hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại tướng Lương Cường lưu ý, đại hội cần nghiêm túc nhìn nhận đầy đủ những hạn chế, khuyết điểm để bàn các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đó là kinh tế của tỉnh phát triển chưa vững chắc, tăng trưởng của các ngành chưa đồng đều, công nghiệp dựa vào năng lượng là chính; lĩnh vực chế biến, chế tạo phát triển còn chậm. Theo đó, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận cần tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo để phát huy hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, vị trí địa lý và khả năng kết nối liên vùng để phát triển toàn diện, trong đó tập trung trọng tâm là công nghiệp; du lịch và nông nghiệp. Đối với du lịch, cần đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm, nâng cao đẳng cấp, lấy Khu du lịch quốc gia Mũi Né làm hạt nhân, lan tỏa tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong nước và quốc tế. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, cần tiếp tục dành nguồn lực của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để phát triển hệ thống thủy lợi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành những vùng chuyên canh lớn.
Đại tướng Lương Cường cũng đề nghị, trên tinh thần dân chủ, mỗi đại biểu phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, xem xét lựa chọn bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ mới bao gồm những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần đoàn kết, có năng lực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đột phá vì lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội; có khả năng đóng góp vào sự lãnh đạo của cấp ủy, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Đồng thời, bầu những đồng chí thực sự tiêu biểu cho phẩm chất, năng lực và trí tuệ của Đảng bộ dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...
Trong buổi sáng và chiều 14/10, đại hội cũng thảo luận báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, dự thảo Nghị quyết Đại hội XIV và dự thảo chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV.
Kiều Hằng. Ảnh Đình Hòa