Thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS
Pháp luật - Ngày đăng : 15:57, 23/10/2020
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Theo tờ trình, một số quy định của luật hiện hành đã bộc lộ các tồn tại, bất cập. Như việc quy định đối tượng được thông báo, tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và chưa đảm bảo tính thống nhất với các luật về khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế; chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc giám sát dịch HIV/AIDS và tiếp cận để hỗ trợ, điều trị sớm cho người nhiễm HIV.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm thể chế quan điểm, chủ trương Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó có mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và giải pháp tăng cường nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS….
Trong quá trình thảo luận có 22 đại biểu phát biểu và 2 đại biểu tham gia tranh luận. Đa số đại biểu tán thành với dự thảo Luật, như sửa đổi, bổ sung đối tượng tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống HIV/AIDS trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam; người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia phòng, chống HIV/AIDS; can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; xét nghiệm tự nguyện; thực hiện xét nghiệm HIV; phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con…
Đồng thời các đại biểu đã góp ý bổ sung, làm rõ một số nội dung, cụ thể khoản 2 Điều 11 dự thảo Luật quy định về ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho 12 đối tượng. Việc quy định các đối tượng như trong dự thảo Luật là khá hợp lý, trừ trường hợp tại điểm d “Người có quan hệ tình dục đồng giới nam”. Vì thực tế, những người có quan hệ tình dục đồng giới đều có nguy cơ lây truyền HIV rất cao chứ không chỉ xảy ra đối với trường hợp quan hệ tình dục đồng giới nam. Đề nghị ban soạn thảo giữ nguyên quy định luật hiện hành, đó là “Người có quan hệ tình dục đồng giới”. Đồng thời tại điều này bổ sung quy định: Đối tượng ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS là học sinh, sinh viên từ THCS, THPT đến đại học.
Về thông báo và tiếp cận thông tin, kết quả xét nghiệm HIV dương tính (Điều 30), các đại biểu cho rằng thông tin về kết quả xét nghiệm HIV dương tính là bí mật thông tin của công dân cần được bảo vệ, được quy định tại Hiến pháp năm 2013.
Do vậy cần cân nhắc và có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin kết quả xét nghiệm HIV dương tính, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người nhiễm HIV. Đối với các đối tượng được tiếp cận thuốc kháng HIV, cần bổ sung thêm các trường hợp được tiếp cận cũng như nguồn kinh phí để cung cấp thuốc. Cần quy định cụ thể hơn về nguồn lực và huy động các nguồn lực khác nhau cho công tác phòng, chống nhằm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam…
Chiều nay, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Thục Anh