Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận: 55 năm trưởng thành và phát triển
Xã hội - Ngày đăng : 09:45, 17/11/2017
Trường Đảng tỉnh Bình Thuận với tên gọi Trường Đảng Trần Phú được thành lập vào năm 1962. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thầy trò nhà trường vừa chiến đấu, vừa học tập. Cho đến ngày quê hương hoàn toàn thống nhất, nhà trường đã triển khai được nhiều hệ lớp với hàng nghìn lượt học viên. Riêng hệ đào tạo tập trung, mở được 25 lớp với khoảng 1.000 lượt học viên.
Tập thể cán bộ, công chức, viên chức Trường Chính trị Bình Thuận. |
Đất nước thống nhất, Trường Đảng Thuận Hải được thành lập vào ngày 15/5/1976 theo Nghị quyết số 1133 NQ/TU, ngày 15/5/1976 của Tỉnh ủy Thuận Hải. Từ đó cho đến trước ngày chia tách tỉnh, trường đã mở được 33 lớp hệ đào tạo với 2.736 học viên; 32 lớp hệ bồi dưỡng với 4.331 học viên. Tháng 5/1992, Trường Đảng Bình Thuận chính thức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong điều kiện, tình hình mới. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương về việc thành lập trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngày 5/9/1994 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định đổi tên Trường Đảng tỉnh thành Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận. Từ năm 1992 - 2012, nhà trường mở được 102 lớp hệ đào tạo với 8.345 học viên; 356 lớp hệ bồi dưỡng với 42.152 học viên. Và từ năm 2013 đến nay, nhà trường đã triển khai được 48 lớp hệ đào tạo với 3.780 học viên; 140 lớp hệ bồi dưỡng với 17.591 học viên.
Kết quả trên cho thấy, tốc độ mở lớp qua từng thời kỳ nhanh hơn. Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng ngày càng phong phú, đa dạng; phương thức mở lớp được thay đổi phù hợp theo từng giai đoạn và đáp ứng nhu cầu người học theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, tăng cường trang bị, rèn luyện về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nghiệp vụ xây dựng Đảng, quản lý nhà nước và công tác của các đoàn thể.
Đối tượng học viên cũng ngày càng mở rộng, từ những lớp cán bộ kế cận, chủ chốt được quy hoạch ở cơ sở trong giai đoạn đầu, đến nay là cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân ở cơ sở; trưởng, phó phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, các sở ngành của tỉnh và tương đương; đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện, cán bộ thuộc đối tượng 4 do Ban Thường vụ các huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và tương đương quản lý; đội ngũ giảng viên của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị, thành phố.
Bên cạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng các mảng công tác khác cũng được triển khai đồng bộ. Hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế là một trong hai nhiệm vụ quan trọng của nhà trường ngày càng được đổi mới góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Từ năm 2001 đến nay, nhà trường đã triển khai thực hiện 1 đề tài khoa học cấp tỉnh, 15 đề tài khoa học cấp trường, 32 hội thảo khoa học cấp trường, phát hành 22 bản tin, phát hành tập sách: “Lịch sử Trường Chính trị Bình Thuận (1962 - 2012)”.
Nghiệm thu đề tài khoa học cấp trường. |
Công tác xây dựng Đảng, công tác đoàn thể rất được nhà trường chú trọng. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội CCB luôn đứng đầu trong các cụm, khối thi đua. Đảng bộ nhà trường giữ vững danh hiệu “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu cấp tỉnh” 17 năm liền.
Hiện nay, để thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, Kết luận số 117-KL/TW, ngày 20/11/2015 của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận cần phải: Giữ vững khối đoàn kết trong đơn vị, quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nhanh chóng xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng theo hướng đáp ứng các tiêu chí để xây dựng Trường Chính trị chuẩn trong thời gian sớm nhất.
Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Gắn đào tạo cơ bản với bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng chức danh. Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, “giữ vững bản chất trường Đảng”.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết, nâng cao nhận thức thực tiễn và lý luận của cán bộ, giảng viên, đồng thời góp phần bổ sung, hoàn thiện chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
55 năm cùng với nhiều biến đổi của của đất nước và tỉnh nhà, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã không ngừng kế thừa truyền thống cách mạng đã được hun đúc từ trong chiến tranh gian khổ; phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Trong giai đoạn đổi mới, hội nhập hiện nay, công chức viên chức nhà trường luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tâm huyết với nghề, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, quyết tâm xây dựng Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận ngày càng lớn mạnh, góp phần đưa tỉnh Bình Thuận trở thành một tỉnh giàu mạnh, phồn vinh.
ThS. Nguyễn Thị Thuận Bích
Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh