Đề xuất giải pháp chống xói lở, xâm nhập mặn cửa Sông Lũy

Xã hội - Ngày đăng : 11:01, 16/11/2017

BT- Tư vấn kỹ thuật về xói lở bờ biển, bồi lắng cửa sông, xâm nhập mặn khu vực cửa sông Lũy trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu là nội dung chính của hội thảo do UBND tỉnh tổ chức sáng15/11. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam phát biểu khai mạc nhấn mạnh, Bình Thuận là một trong số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, sông suối khô cạn, xâm thực bờ sông, biển nhiều nơi. Bởi thế, mục tiêu chính dự án trên là điều tra, phân tích đánh giá tình hình xâm nhập mặn, bồi lắng, xói lở khu vực cửa sông Lũy, từ đó đưa ra phương hướng phát triển cho các địa phương ven sông này thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời đề xuất những giải pháp giảm thiểu tình trạng xâm nhập mặn, bồi lắng, xói lở khu vực cửa sông trước mắt, lâu dài.
                
      Cửa sông Lũy bị xâm nhập mặn

Cũng tại Hội thảo, đơn vị tư vấn Viện Thủy lợi và Môi trường đã báo cáo kết quả nghiên cứu gói thầu trên với các nội dung chính: điều tra, thu thập dữ liệu, khảo sát bổ sung phục vụ việc phân tích, đánh giá hiện trạng bồi lấp, xâm nhập mặn; xây dựng mô hình thủy động lực nhằm mô phỏng bồi lấp, xâm nhập mặn khu vực cửa sông Lũy, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến các hiện tượng này.

Theo thống kê, nhiều năm qua do tình trạng xói lở, xâm nhập mặn nên Sông Lũy suy giảm dòng chảy, cát bồi lấp, cao độ hiện trạng lòng sông thấp khoảng 1,5 - 3 mét, tàu thuyền khó ra vào. Khu vực ven bờ biển Sông Lũy bị xói lở khoảng 20 mét mỗi năm.

Được biết, Dự án Tư vấn kỹ thuật về xói lở bờ biển, bồi lắng cửa sông, xâm nhập mặn khu vực cửa sông Lũy trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu được Ban Quản lý dự án Hỗ trợ kỹ thuật Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp UBND tỉnh xúc tiến thực hiện, thông qua hỗ trợ nguồn vốn không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Bỉ.

T. Khoa