Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Phan Rí Cửa đến năm 2035

Xã hội - Ngày đăng : 09:28, 29/11/2017

BT- Ngày 24/11/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã ký Quyết định số 3372/QĐ- UBND phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Phan Rí Cửa đến năm 2035.

Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa chiến lược, định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm thị trấn Phan Rí Cửa hiện hữu và một phần các xã: Hòa Minh, Hòa Phú, Chí Công, huyện Tuy Phong, có ranh giới tứ cận như sau: Phía Đông giáp: xã Bình Thạnh và biển Đông; phía Tây giáp: huyện Bắc Bình; phía Nam giáp: biển Đông; phía Bắc giáp: xã Phong Phú, huyện Tuy Phong và xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình. Quy mô diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 2.400 ha.

Dự báo quy mô dân số: Đến năm 2025 khoảng 97.000 người; trong đó dân số nội thị khoảng 60.000 người. Đến năm 2035 khoảng 120.000 người; trong đó dân số nội thị khoảng 80.000 người.

Theo quy hoạch, đô thị Phan Rí Cửa là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghiệp khai thác chế biến thủy sản, dịch vụ, du lịch, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Bắc tỉnh Bình Thuận.

 Nhiệm vụ quy hoạch là phát huy tiềm năng và lợi thế của toàn thị trấn, phát triển tốt những ngành kinh tế mũi nhọn trong mối tương quan bền vững tổng thể và hài hòa của toàn nền kinh tế, môi trường và xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tạo cơ sở pháp lý về quy hoạch để triển khai các bước tiếp theo và công tác quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo quy hoạch, từng bước đạt tiêu chí đô thị loại III và nâng cấp đô thị lên thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2035. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường, tạo ra các nguồn lực hình thành các dự án trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch sử dụng đất hợp lý, có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung.

H.L