Cánh đồng mía xưa
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 11:23, 30/10/2020
Hơn 35 năm trước, hợp tác xã nơi tôi sinh sống có những cánh đồng mía bạt ngàn; loài cây đặc biệt này quấn quýt tuổi ấu thơ tôi khó có thể quên được một sớm một chiều. Đặc biệt đến nỗi, nhìn thấy cây mía là thấy cả một vùng trời tuổi thơ như vừa mới qua đây. Nó là một người bạn, một nhân chứng cho cái thời bao cấp khó khăn mà chúng tôi từng sống. Thời bấy giờ, trồng mía ăn tươi là chuyện phụ; mục đích chính là để ép nước, nấu đường. Tuy nhiên, giống mía nấu đường ngày xưa không khác mấy với mía trồng ăn tươi, nghĩa là rất chi ngọt, mềm, nhiều nước. Vậy nên mía vừa bắt đầu có lóng là lũ trẻ chăn bò chúng tôi lom khom để ý, phân công nhau dòm, ngó canh chừng không thấy có nhân viên hợp tác xã hoặc các chú du kích xã là thôi rồi cái bọn lanh tay lẹ mắt nó làm mỗi đứa vài ba cây chạy về nơi kín đáo ngồi ăn ngon lành.
Ảnh minh họa |
Đến cuối tháng mười, mía trổ cờ và chờ khi bông cờ khô bay hết để lại trơ ngọn thì đó cũng là lúc nước mía ngọt, chất lượng đường cao; mía được chặt đồng loạt hết đám, tập trung chở về lò để nấu đường. Lò nấu đường cũng rất là thủ công lưu động, theo mùa, thường là nơi các bãi đất rộng có bóng mát. Lò có hai thớt cối đá lớn dùng để ép mía cây lấy nước. Những năm tám mươi của thế kỷ trước, người dân quê tôi quay hai thớt cối đá để lấy nước mía nhờ vào sức kéo của trâu, bò. Ngày đó, lũ trẻ chúng tôi thường kiếm cớ la cà ghé lò nấu đường sau những buổi đi học về, ít nhất cũng được các chú cho một khúc mía để nhai hoặc cứ la cà mãi may mắn hơn thì được một gáo nước mía vừa nấu cô giai đoạn đầu, có hương vị thơm ngon rất đặc trưng, ngọt lịm và nóng hổi, mía còn nhiều bọt và xác vụn của bả mía. Với tôi, gáo nước mía được uống ngay tại lò nấu đường thực sự là một kỷ niệm khó quên, ký ức tuổi thơ nó cứ kéo dài dằng dặc cho đến tận bây giờ; nó ngọt, ngon, thơm phục hồi sức khỏe nhanh hơn những thứ thần dược và ngon hơn rất nhiều những ly nước mía sạch được uống bây giờ. Khi đem mía của nhà đến làm đường, ba tôi thường lấy về vài chục lít mật mía trước khi các người thợ trong lò cho vào khuôn thành những táng đường hình trái tim, hình vuông, hình chữ nhật. Mật mía ấy cho vào khạp, để lâu ngày sẽ trở thành đường cát thơm ngon tinh khiết.
Cuộc đời như chớp mắt, hơn 35 năm trước, tôi là một chàng thanh niên lực lưỡng, tràn đầy năng lượng, là lao động chính trong gia đình đông anh em nghèo khổ sống ở miền quê Hàm Thuận Nam còn nhiều khó khăn; nay đã là một người trung niên, quay lại quê nhà chỉ thích được ngồi lặng lẽ chiêm nghiệm chuyện vui buồn trong cõi thế nhân, chuyện vui buồn trong sự đổi thay của đất nước nói chung và của quê hương mình nói riêng. Cánh đồng mía ở quê, giờ trở thành những cánh đồng thanh long mượt mà xanh thẳm, chạy ngút ngàn. Lò nấu mía làm đường thủ công ngày xưa chỉ còn lại trong ký ức. Thay vào đó, những vựa mua, bán thanh long mọc lên làm quê hương thay da đổi thịt, vững bước đi lên trên con đường hội nhập.
Buổi trưa trước giờ chia tay xã Hàm Mỹ thân yêu, tôi và những đứa em trong gia đình ghé quán bên đường ngồi uống ly nước mía, hỏi thăm mua mía ở đâu, người ta chỉ tận một nơi xa lắc xa lơ. Ô hay, cái xứ mía bạt ngàn ngày xưa giờ lại không thể tìm mua ra cây mía để ăn. Đương nhiên vị thơm, ngọt của gáo nước mía vừa nấu cô giai đoạn đầu lại càng phải lội sâu vô quá khứ mà tìm...; chúng tôi cùng lắng hồn mình để mơ tưởng về tương lai của quê hương Bình Thuận ngày một đổi mới đi lên, ở đó không thiếu hương vị của mùi mồ hôi ông cha đã đổ trên cánh đồng có nhiều thay đổi, từ những cánh đồng mía năm xưa thời bao cấp, đến những đám ruộng lúa “Nàng yếu” chỉ một vụ trong năm, rồi giống dưa Đài Loan lấy hạt xuất hiện; hôm nay là bạt ngàn thanh long xanh ngát… và mai sau nữa chắc sẽ trở thành những khu phố được quy hoạch sáng rực ánh điện đường… Đó là những thay đổi lớn lao hợp quy luật, nhưng mỗi thân phận, mỗi cuộc đời con người ở mảnh đất này mãi mãi mang tên người nông dân chịu khó, chịu thương.
Đỗ Văn Cường