Thầy cô nghiêm, học trò nhớ ơn

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 10:58, 06/11/2020

BT- Trong môi trường học đường, nhất là cấp THCS, THPT, những thầy cô nghiêm túc, nghiêm khắc thường không được lòng học sinh, nhưng chính họ lại được trân trọng, quý mến sau khi các em ra trường, trở thành người có ích cho xã hội.

Nghiêm khắc...

Trong chúng ta ai cũng trải qua đời học sinh, lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, chỉ biết chơi và học, kiến thức về xã hội non nớt do chưa trưởng thành, va chạm nhiều trong cuộc sống. Ngoài cha mẹ và người thân thì thầy cô là người gần gũi nhất. Tâm lý thầy cô cũng như cha mẹ đều mong muốn con cái, học trò của mình nên người để sau này có ích cho xã hội. Không ai muốn con hư, học trò không ngoan, lười biếng học tập, nên trong quá trình dạy dỗ thường nghiêm khắc. Nhưng những điều ấy, dường như các em không hiểu, cứ thấy nghiêm khắc là không thích, không ưa, cho là không thương mình. Với thầy cô, nghiêm khắc ở đây là luôn để ý xét nét học trò trong học hành, ứng xử với bạn bè, thầy cô...; yêu cầu học sinh học hành phải nghiêm túc... Nếu làm trái sẽ phạt như bắt đứng trước lớp,  mời cha mẹ lên trao đổi, thậm chí mời ra khỏi lớp nếu nói chuyện quá nhiều ảnh hưởng đến bạn khác học tập...

nh minh họa: Ngọc Lân

Trong nghề dạy học, nhiều thầy cô tâm sự, học trò ngày nay nghịch, nói nhẹ các em không nghe, phải nói lớn tiếng thì mới chịu nghe. Cô Nguyễn Thúy Th. – giáo viên THCS tại một trường ở TP. Phan Thiết chia sẻ, một lớp hơn 30 em, vài em nghịch là ảnh hưởng đến cả lớp học, nếu không nghiêm với các em thì không thể giảng dạy được. Biết nhiều em không thích đấy, nhưng dù thích hay không thích là chuyện của các em, nhiệm vụ của thầy cô làm sao cho các em học tốt, lễ phép, kỷ luật tốt. Cô còn tâm sự, mình cũng có con, mình hiểu được tâm lý học sinh, các em chỉ thích chơi không thích học, mà nếu chiều theo các em thì tương lai các em đi về đâu. Có thể hiện tại các em chưa hiểu, lớn lên các em sẽ hiểu. 

 ... sẽ được biết ơn

Thực tế kiểm nghiệm cho thấy, phần lớn thầy cô nghiêm túc, nghiêm khắc với học sinh, thì chính họ lại được học sinh sau khi ra trường thành danh trân trọng. Những thầy cô quá hiền, chậm chạp, nuông chiều học sinh lại bị oán trách. Minh chứng điều đó, một nhóm bạn của chúng tôi, vẫn thường ôn lại chuyện học hành năm xưa. Một bạn kể: “Trong các môn học, môn nào học cũng khá, riêng môn hóa học, mất căn bản từ năm học lớp 8. Hồi ấy không có học thêm nhiều như tụi nhỏ bây giờ, đã không được học thêm đi học ở trường gặp trúng cô giáo quá hiền lành, dạy không hay thành yếu luôn!. Học kiểu gì mà cô giảng trên bục giảng, ở dưới lớp như cái chợ, cô cũng chẳng nhắc nhở. Cả khóa đứa nào cũng yếu môn hóa học...”. Nhưng lại nhớ và bàn luận đánh giá cao những thầy cô “nổi tiếng” nghiêm túc, nghiêm khắc, những người không được lòng học sinh.

Tương tự, trong nhiều câu chuyện tri ân thầy cô Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, không ít những cựu học sinh đã ở tuổi xế chiều vẫn tìm về thầy cô từng dạy mình để tri ân. Trong đó, có câu chuyện chúng tôi chứng kiến tại chính gia đình mình, nơi có những chị giáo viên nghỉ hưu. Dù đã nghỉ hưu hàng chục năm, nhưng cứ đến 20/11, hoặc bệnh tật là thấy học trò cũ gọi điện hỏi thăm hoặc đến thăm. Có lần tôi nghe được đoạn trò chuyện giữa một chị và người học trò cũ, chị bảo: “Hồi đó cô đuổi em ra khỏi lớp mà giờ em cũng nhớ tới cô. Trò cũ đáp:nhờ vậy mà em nên người!”. Chị là Lê Thị B – người mà nhiều lớp học sinh THCS thập niên 90 kháo nhau, giảng bài dễ hiểu, nhưng cực kỳ nghiêm khắc, những học trò cá biệt, mất căn bản về toán học khi “vào tay” chị đều thay đổi tính nết, thích học toán. Chị cho biết: “Phần lớn những học trò gọi điện, đến thăm là những đứa bị chị la mắng nhiều nhất vì làm biếng học. La quá các em không thích, bây giờ thấy các em thành đạt cũng mừng”.

Ngoài thầy cô trực tiếp đứng lớp nghiêm khắc thì những thầy cô giám thị cũng bị học trò không thích, nhưng khi ra trường hồi tưởng, lại thấy thương thầy cô. Thầy Năng Hiền – giáo viên tại một trường THCS chia sẻ: “Có những cựu học sinh tâm sự, hồi còn đi học, thầy cô giám thị là nỗi ám ảnh, nhưng khi ra trường nghĩ lại thấy thương thầy cô và thấy mình quá trẻ con. Nhớ những lúc thầy cô phạt vì mang dép lê, không bỏ áo trong quần bị la, nhưng điều đó cũng chỉ là để tốt cho học sinh...”.

Dạy học là nghề vinh quang và cao quý, mỗi thầy cô là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Những nỗ lực của thầy cô sẽ được đền đáp. Có thể ở hiện tại học sinh không hiểu nhưng các em sẽ hiểu khi thành danh.

Ninh Chinh