Công điện chỉ đạo ứng phó bão số 12

Xã hội - Ngày đăng : 13:00, 09/11/2020

BTO- Hồi 9 giờ 30 phút hôm nay (ngày 9/11), Chủ tịch UBND tỉnh đã phát công điện hỏa tốc số 05 đến các địa phương, ban ngành, đơn vị của tỉnh về ứng phó cơn bão số 12.

Theo nhận định, đây là cơn bão có diễn biến rất phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng, tốc độ di chuyển nhanh, do kết hợp với không khí lạnh đang tăng cường xuống phía Nam gây mưa to cho các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết khu vực tỉnh Bình Thuận. Do đó, để khẩn trương ứng phó với diễn biết khó lường của bão số 12, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống.

                
      Tàu thuyền neo đậu vùng ven biển Tuy Phong.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và một số sở ngành liên quan, các địa phương ven biển kiểm tra, rà soát, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và về nơi tránh trú bão an toàn. Đồng thời kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi hoạt động của các tàu, thuyền, duy trì thông tin liên lạc với các chủ phương tiện để hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời các tình huống sự cố, tai nạn có thể xảy ra trên biển. Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, nhất là tàu thuyền hoạt động trên biển cũng như hướng dẫn neo đậu tại bến trước khi bão số 12 đổ bộ và xả lũ hồ chứa. Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết và diễn biến của bão số 12; tình hình gió mạnh, sóng lớn, triều cường, phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, vị trí, hướng di chuyển của bão số 12 để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào vùng ảnh hưởng của bão. Cử người thường xuyên kiểm tra, theo dõi các khu vực bị sạt lở ven biển, vùng đồi núi, nhất là các khu vực dân cư, khu du lịch ven biển, cắm biển cảnh báo để thông báo cho người dân, khách du lịch biết, có phương án đảm bảo an toàn, chủ động sơ tán người và tài sản các hộ dân bị sạt lở, uy hiếp trực tiếp đến nơi an toàn.

 Rà soát, chủ động sơ tán, di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão đổ bộ, nhất là người ở trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, trên tàu thuyền khi vào bến neo đậu, trong các nhà không an toàn, các khu dân cư ven biển, cửa sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập sâu. Tiếp tục hướng dẫn người dân vùng ven biển về chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, trụ sở cơ quan, cơ sở y tế, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch ven biển chịu tác động trực tiếp của bão số 12 khi đổ bộ. Huy động mọi nguồn lực của địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, các kè bảo vệ bờ biển đang bị sự cố, hư hỏng vừa qua, nhất là tại các khu vực đang bị sạt lở ven biển do ảnh hưởng của bão, gió mạnh, sóng lớn, nước biển dâng gây ra.

Song song, các đơn vị cần tăng cường trực ban, kiểm tra, bảo đảm an toàn tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Đối với các hồ đã đầy nước cần chủ động điều tiết để đón lũ; bố trí lực lượng thường trực theo dõi tình hình thời tiết, mưa, lũ, lưu lượng về hồ để vận hành an toàn hồ chứa theo quy trình, bảo đảm an toàn công trình và an toàn của người dân ở khu vực hạ du hồ chứa…

Theo tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 9/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 450km về phía Đông. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 9/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 230km về phía Đông. Đến 7 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

K.H