Sum vầy “bữa cơm đại đoàn kết”
Đời sống - Ngày đăng : 11:14, 18/11/2020
Tôi có dịp được đến nhiều khu dân cư trong tỉnh để dự “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” (gọi tắt ngày hội) và được chung vui với bà con “bữa cơm đại đoàn kết”. Tại thôn Láng Gòn 2, xã Tân Xuân (huyện Hàm Tân), sau khi tổ chức xong phần lễ và phần hội, kết thúc ngày hội là “bữa cơm đại đoàn kết” để mời bà con trong thôn cùng chung vui. Do điều kiện còn khó khăn nên “bữa cơm làng” được tổ chức đơn giản nhưng vẫn trọn vẹn sự đầm ấm, đoàn kết tình làng nghĩa xóm. Bởi năm qua, bà con nhân dân trong thôn rất phấn khởi vì các phong trào, cuộc vận động do địa phương và Mặt trận phát động đều thực hiện tốt. Đời sống vật chất lẫn tinh thần ngày càng được nâng cao, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, thôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa 3 năm liền… “Bữa cơm đại đoàn kết” là dịp để bà con nhân dân trong thôn cùng ngồi bên nhau chia sẻ những niềm vui và cùng nhau chung sức xây dựng cuộc sống chung ở thôn xóm ngày một tốt đẹp hơn.
“Bữa cơm đại đoàn kết” tại thôn 2, xã Đức Phú
Còn tại thôn 2, xã Đức Phú (huyện Tánh Linh), “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm nay được tổ chức trang trọng, với nhiều hoạt động thiết thực thu hút đông đảo nhân dân trong thôn tham gia. Bên cạnh các hoạt động thường thấy trong ngày hội như diễn văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian, ôn lại lịch sử, truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổng kết các mặt đời sống của khu dân cư sau một năm, biểu dương khen thưởng những cá nhân, gia đình tiêu biểu… người dân trong khu dân cư thôn 2 còn đóng góp, tổ chức “bữa cơm đại đoàn kết” cùng nhau chung vui. Tôi rất ấn tượng với cách tổ chức “bữa cơm đại đoàn kết” ở khu dân cư nơi đây, bởi bữa cơm do người dân trong khu dân cư tự tổ chức, cùng đi chợ, chế biến và cùng nấu nướng. Để chuẩn bị một bữa cơm tươm tất cho hàng trăm người ăn không phải là điều đơn giản. Trước ngày hội diễn ra, việc vận động, đóng góp kinh phí cũng như chuẩn bị bữa cơm được tính toán, bàn bạc kỹ lưỡng. Sau khi quyên góp đủ số tiền, cử ra những người biết nấu nướng chủ trì bếp núc. Người đi chợ, người nhặt rau, thái thịt, người rửa bát, bưng mâm... rất nhịp nhàng. Mỗi người đảm nhận một công việc, cùng nhanh chóng hoàn thành bữa cơm cho cả khu dân cư trước khi kết thúc các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao. Chị Nhung - người dân ở thôn 2, xã Đức Phú cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, người dân trong thôn háo hức đợi đến ngày để được tham gia. Đặc biệt, “bữa cơm đại đoàn kết” diễn ra rất vui và đầm ấm. Hầu như ở đây hộ dân nào cũng tham gia, có gia đình cùng tham dự cả nhà”. Nhìn cảnh mọi người từ già, trẻ, trai, gái cùng nhau quây quần bên những mâm cơm trải dài, cùng trò chuyện vui vẻ, thưởng thức những món ăn bình dị nhưng ấm tình làng nghĩa xóm mới thấy hết ý nghĩa của “bữa cơm đại đoàn kết”.
Theo nhìn nhận của chúng tôi, tùy theo điều kiện của từng khu dân cư để tổ chức “bữa cơm đại đoàn kết”. Nhưng tựu chung đều có đầy đủ thành phần tham dự, từ già đến trẻ, từ cán bộ đến người dân, hay con em xa quê được quây quần, vui vẻ bên nhau. Sau những bữa cơm “đặc biệt” ấy, nhân dân ở thôn, xóm, tổ dân phố thêm hiểu nhau, đoàn kết hơn, những mâu thuẫn, xích mích nhỏ nhặt thường ngày được tháo gỡ. Những “bữa cơm đại đoàn kết” ở các khu dân cư như trên thật đáng quý, bởi phần nào cho thấy cán bộ và người dân ở đây chung sống với nhau đoàn kết, chan hòa, đầm ấm. Và chắc hẳn các cán bộ cơ sở ở đây phải tâm huyết, trách nhiệm với việc làng, việc phố lắm mới tuyên truyền, vận động, tổ chức được một sinh hoạt cộng đồng ý nghĩa như vậy.
Hà Trúc