Huy động mọi nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Xã hội - Ngày đăng : 15:20, 18/11/2020
10 năm qua, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo và được cấp ủy, chỉnh quyền các cấp, sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tích cực phối hợp triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: một số địa phương chưa làm tốt vai trò trong điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, chưa phát huy tốt việc đào tạo nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động; lúng túng trong việc chọn ngành nghề đào tạo gắn với xã nông thôn mới; việc đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo, thực tập tại doanh nghiệp…
Trong giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030, Bình Thuận đặt mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt thêm 30.000 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt từ 70% - 75% và đến năm 2030 đạt từ 75% - 80%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 30% - 32% và đến năm 2030 đạt từ 32% - 37%. Đảm bảo lao động nông thôn sau đào tạo nghề có việc làm từ 80% trở lên.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp cần tập trung tăng cường chỉ đạo, điều hành đối với công tác đào tạo nghề; đẩy mạnh các cuộc vận động, kết hợp nhiều biện pháp, hình thức triển khai để huy động mọi nguồn lực cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tổ chức khảo sát, đào tạo nghề đúng với nhu cầu và đối tượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế của địa phương. Mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn kết giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị khẩn trương hoàn thành Đề án đánh giá lại hệ thống Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện theo Kế hoạch số 992 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 43 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIII) “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Từ đó, có cơ sở đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, kiên quyết giải thể những đơn vị hoạt động không hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở đào tạo nghề…
Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 15 tập thể và 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương”.
Trong 10 năm, đã đào tạo nghề cho 126.929 người, đạt 107,6% kế hoạch, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn 79.563 người, đạt 93,6% kế hoạch. Số lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề đạt trên 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức tăng từ 28% đầu năm 2010 lên 70% vào năm 2020, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 13,32% lên 26,87%...
Tin, ảnh: Thanh Thủy