Cái chết của một dòng sông

Xã hội - Ngày đăng : 09:31, 03/01/2018

BT- Con sông có một cái tên rất đẹp: sông Hiệp Đức, thuộc địa phận xã Chí Công, huyện Tuy Phong. Tuy phạm vi diện tích lưu vực và chiều dài của nó chỉ nằm vỏn vẹn trong địa bàn của một xã ven biển nhưng nó vẫn là một con sông có tên tuổi trên hệ thống bản đồ quốc gia hẳn hoi, vì xưa kia các loại ghe bầu, thứ ghe lớn ông cha ta dùng đi biển dài ngày vẫn thường xuyên bơi theo sông Hiệp Đức, vào ngay tận giữa đồng muối Chí Công để chở muối.
                
Một khúc sông Hiệp Đức ngày nay.    

Sông Hiệp Đức bắt nguồn từ khu vực giáp ranh địa bàn Lâm Lộc - Hội Tâm, xã Hòa Minh, dài chừng 5 cây số, chảy ven theo động cát xã Chí Công ôm gọn lấy đồng muối Duồng (Chí Công) do người Pháp khai khẩn. Nó cũng là đường tiêu thoát duy nhất cho lượng nước mưa, nước ngầm ngấm ra từ những đồi cát của vùng Hội Tâm và Chí Công.

Qua bao dâu bể, sông Hiệp Đức chỉ còn lại mỗi cái tên trên bản đồ. Nó đã chết, chết thật sự khi không còn có lấy một giọt nước, khi mà toàn bộ cái thiên chức là lưu dẫn dòng chảy vốn có của một con sông đã không còn và lòng sông đã bị cát lấp đầy.

Sông Hiệp Đức không còn đã gây ra nhiều hậu quả cho cư dân địa phương. Vào mùa mưa, cũng là mùa sản xuất chính của nông dân, nước không tiêu thoát thường xuyên gây úng ngập hàng tháng trời các khu dân cư và vườn rẫy dọc theo hai bên quốc lộ của xã Hòa Minh, còn diêm dân Chí Công thì không lấy được nguồn nước mặt từ biển do con sông cung cấp trực tiếp.

Thời còn hợp tác xã làm muối, chính quyền huyện, xã nhiều lần huy động dân công mở rộng diện tích đồng muối. Diện tích  càng mở rộng thì nguồn nước để làm muối lại giảm dần vì con sông cứ nhanh chóng bị bồi lấp. Vậy là người ta lại phát động chiến dịch nạo vét khơi thông sông Hiệp Đức và mương thoát Hòa Minh, nhưng dăm bữa nửa tháng sau thì mọi thứ vẫn đâu hoàn đấy. Một xí nghiệp thủy sản từng bỏ rất nhiều tiền để xây dựng hệ thống trạm bơm và kênh mương cung cấp nước cho đồng muối nhưng rồi cũng bị thất bại nặng nề.

Quyết tâm làm sống lại dòng sông Hiệp Đức, nhiều dự án nghiên cứu, khảo sát, phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật… đào lòng sông thật sâu để khơi thông dòng chảy, xây kè hai bên bờ sông để chặn cát bồi lấp, làm cả kè chắn cát ngoài xa. Nhưng con sông thì tệ thật, nó chỉ biết ngốn tiền của, công sức của nhân dân.  Chuyện gì cũng phải có cái lý của nó. Một con sông đã tồn tại hàng ngàn năm không thể tự dưng mà biến mất. Từ những thông tin mà một cụ ông đã gần 80 tuổi, từng gắn bó với đồng muối Chí Công 60 năm, trong một lần gặp gỡ, tôi biết được nguyên nhân “lìa đời” của dòng sông. Chính là vì con người đã không biết cách quản lý và duy trì hoạt động của dòng sông theo đúng quy luật mà nó đã hình thành và tồn tại.

Sông Hiệp Đức vốn là một con sông nhỏ. Trước kia, hai bên bờ sông là bãi hoang mênh mông rừng ngập mặn, dày đặc những loại đước, sú, vẹt… Khi thủy triều lên, nước biển tràn vào trong sông. Thời gian triều dâng lên dài và chậm, đủ cho nước kịp len lỏi vào tận mọi ngóc ngách của rừng. Đến lúc thủy triều đạt đỉnh thì những cánh rừng ngập mặn này cũng ăm ắp  nước.

Khi mức triều ngoài biển hạ xuống, theo quy luật mực nước sông sẽ hạ theo. Thế nhưng do lượng nước chứa trong rừng ngập mặn bị cản trở bởi hằng hà sa số các loại cây cối, nên lúc triều mới bắt đầu xuống, chênh lệch mực nước giữa sông và biển còn ít thì nước trong rừng ngập mặn thoát ra rất chậm, trong khoa học thủy lợi người ta gọi đó là thời gian chậm tới của dòng chảy.

Đến khi thủy triều hạ đến mức đáy thì lúc đó biên độ chênh lệch mực nước trong rừng ngập mặn và mực nước biển là cao nhất. Lúc này, với lượng nước còn được giữ lại trong rừng còn khá lớn cộng với độ chênh mức nước cao nhất, nước ở trong rừng mới ồ ạt đổ ra tạo thành một dòng chảy mạnh mẽ trong một thời gian ngắn, đủ sức cuốn đi mọi thứ bùn cát và tạo nên sự thông thoáng trong lòng sông. Quy luật đó diễn ra hàng ngày đã chống lại sự bồi lấp của cát biển vào cửa sông nên đoạn hạ lưu luôn rộng và sâu, nước mưa và nước nhỉ ven động cát ở phía thượng lưu nhờ đó cũng thoát ra sông được dễ dàng, hình thành nên một dòng chảy liên tục.

Sự hình thành và tồn tại của sông Hiệp Đức tuân thủ  theo quy luật bất biến như vậy cho đến khi con người vô tình phá hủy đi những khoảnh rừng ngập mặn ở hai bên bờ để làm muối - phá hủy ngay chính trái tim- nguồn lực đã tạo ra và duy trì sự tồn tại của nó thì… nó phải tự tiêu vong.

Người Pháp khi tổ chức khai thác đồn điền muối Duồng (Chí Công) đã rất chú ý đến những đặc điểm này. Họ giới hạn diện tích làm muối vừa phải, duy trì các cánh rừng ngập mặn ở hai bên bờ sông. Chưa hết, họ còn cẩn thận đào ngay giữa khu ruộng muối một cái hồ lớn. Hồ này có cống đóng mở và kênh dẫn thông với dòng sông, vừa làm nhiệm vụ cung cấp nước cho toàn bộ đồng muối lúc triều lên, đồng thời làm nhiệm vụ chống bồi lắng cho lòng sông khi triều xuống. Khi thủy triều lên, cánh cống mở ra, nước được lấy vào hồ. Khi mức triều đạt đỉnh cao nhất thì cánh cống  được đóng lại.

Việc cung cấp nước sản xuất cho đồng muối lúc ấy thường chỉ chiếm một lượng nhỏ so với dung tích chứa của hồ. Lượng nước còn lại sẽ được giữ đầy trong hồ. Chờ đến khi mực nước triều ngoài biển hạ xuống đến mức thấp nhất thì cánh cống mới được mở hết cỡ. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy,  nước từ trong hồ ào ạt chảy ra với lưu lượng và vận tốc lớn, tạo thêm một lực đẩy hỗ trợ chống lại sự bồi lắng lòng sông.

Chu kỳ vận hành được thực hiện đúng theo chu kỳ con nước cứ lặp đi lặp lại hàng ngày, kể cả trong những ngày lễ hay ngày tết. Người ta biết cách lợi dụng chính các yếu tố tồn tại ngay trong tự nhiên để khai thác và làm lợi cho con người mà vẫn duy trì được sự ổn định của tự nhiên. Đó là một cách làm hiệu quả và khoa học, đảm bảo sự hài hòa và ổn định vốn có của môi trường.

Từ sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, người ta cứ liên tục mở rộng diện tích làm muối, chỉ nghĩ đơn giản là tăng quy mô sản xuất. Việc làm này đã nhanh chóng hủy hoại những cánh rừng ngập mặn, nơi đã tạo ra và nuôi dưỡng dòng sông một cách tự nhiên qua nhiều năm tháng. Việc quản lý điều tiết hệ thống hồ và cống cũng không màng tới. Hậu quả tất yếu là dòng sông bị bồi lấp và… “qua đời”.

Ký: Nguyễn Phương