Xác định nông nghiệp là một trong ba trụ cột của tỉnh

Kinh tế - Ngày đăng : 11:00, 19/11/2020

BTO- Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã nhấn mạnh: Bình Thuận có thế mạnh về công nghiệp - năng lượng, du lịch, nhưng nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của tỉnh nhà, cũng như đời sống của người dân. Ngành nông nghiệp hoạt động trong điều kiện khó khăn như nắng hạn, thiếu nước, đất đai bạc màu. Nhưng bù lại, tỉnh có những sản phẩm nông nghiệp tạo thương hiệu như quả thanh long, thủy sản, sản phẩm chế biến như nước mắm Phan Thiết.
                
      Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An chỉ đạo tại buổi làm việc.

Thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh có nhiều nỗ lực, cố gắng. Nhất là những năm gần đây, tỉnh phát triển ngành chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng…Nhờ vậy những khó khăn, hạn chế trong phát triển nông nghiệp dần được tháo gỡ và từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi. Đó là công sức, tâm huyết, trí tuệ của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân đóng góp nên. Mặt khác, sắp tới tỉnh có thêm hồ chứa nước Sông Lũy và triển vọng về hồ thủy lợi La Ngà, sẽ góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế hiện nay của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Cụ thể như sản xuất nông nghiệp an toàn bền vững VietGAP, Global GAP, sản xuất sạch chưa thực sự tốt, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa nhiều. Ngoài ra, việc tiêu thụ nông lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh chưa ổn định và bấp bênh, cạnh tranh giá cả còn yếu, thị trường tiêu thụ chưa đa dạng, sản phẩm chủ lực phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc; phát triển nuôi hải sản trên biển chưa tương xứng với tiềm năng.

                
   
      Phát triển thủy sản.

 Mặt khác,nhiều dự án chăn nuôi heo còn gây ô nhiễm môi trường. Rừng trồng sản xuất và sản phẩm chế biến gỗ chưa nhiều, tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn yếu. Đặc biệt, tình trạng vi phạm lâm luật còn diễn biến phức tạp, nhất là hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Vấn đề kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, việc đầu tư kè biển còn ít…

Về nhiệm vụ sắp tới, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An xác định: Lần đầu tiên Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đưa nông  nghiệp là 1 trong 3 trụ cột của tỉnh, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Để thực hiện tốt điều này, ngành cần tập trung chỉ đạo đạt kết quả tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tái cơ cấu cây trồng, chuỗi giá trị, quy mô…Mặt khác phải đẩy mạnh, tăng cường vận động tuyên truyền người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tiếp tục đầu tư thủy lợi, đảm bảo các vùng sản xuất nông nghiệp đều có nước tưới.

Với lĩnh vựcchăn nuôi, ngành cần quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Về thủy sản, cần vận động ngư dân khai thác xa bờ, hạn chế khai thác đánh bắt gần bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Song song, tăng cường nuôi, chế biến hải sản, tạo ra giá trị gia tăng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôncần nghiên cứu các phương thức thả con giống công ích ở biển, hồ.

                
   
      Sản xuất thanh long VietGAP.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh lưu ý ngành nông nghiệp phải bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng, tái tạo cây bản địa. Đối với vùng ven biển, chú trọng chống sạt lở, xâm thực. Sắp tới, tỉnh sẽ dành thêm nguồn lực để đầu tư hệ thống kè biển, chủ động làm kè để giữ đất, giữ kè cho dân. Riêng với vùng nông thôn và xây dựng nông thôn mới, ngành cần quan tâm đến môi trường, nước sạch, xây dựng nông thôn mới. Với quyết tâm cao, cần quan tâm xây dựng, thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm”. Cùng với đó, đề nghị ngành phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan chủ động quan tâm vấn đề nước sinh hoạt cho vùng nông thôn, không để cho nhân dân bị thiếu nước.

Bí thư Tỉnh ủy cũng ghi nhận những khó khăn của ngành nông nghiệp và nghiên cứu giải quyết trong thời gian tới.

    
      Năm 2020, ngành Nông nghiệp và PTNT cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chủ   yếu được giao, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh - xã   hội khu vực nông thôn. Cụ thể, toàn ngành thực hiện đạt và vượt 7/9 chỉ   tiêu phấn đấu của ngành, cụ thể diện tích thanh long VietGAP 11.261   ha/10.200 ha, đạt 110,4% kế hoạch; trồng rừng tập trung 1.186 ha/ 1.050   ha, đạt 105,4% kế hoạch; sản lượng hải sản khai thác 222.000 tấn/   210.000 tấn, đạt 105,7% kế hoạch...

K. Hằng