Bản sắc văn hóa ở vùng cao Hàm Thuận Bắc
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:09, 01/12/2020
Đến với lễ hội, những lời ca, điệu múa dân gian, trang phục dân tộc hòa chung tiếng trống Paranưng, kèn Saranai và trống Ghi-năng theo từng tiết tấu nhịp nhàng, âm vang núi rừng, làm say đắm lòng người nghe; đưa người xem đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Bên cạnh đó, người dân hòa mình vào các trò chơi dân gian như giã gạo, đi cà kheo tiếp sức, đội nước... Đến với ẩm thực, các món ăn dân giã nấu trên bếp củi hồng mang đậm chất núi rừng, nương rẫy như gà nướng muối ớt, canh cà, canh lá bép, cơm ống tre… cũng được giới thiệu. Tất cả các hoạt động trong ngày hội mang đậm hơi thở cuộc sống trong sinh hoạt, sản xuất đời thường, đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc trong huyện.
Văn hóa các dân tộc thiểu số làm nên sự phong phú, đa dạng và nét độc đáo, đặc sắc của văn hóa Bình Thuận. Ngày hội được duy trì tổ chức định kỳ 2 năm một lần, đến nay đã trải qua 19 lần tổ chức. Trong đó, có 18 lần đăng cai tại xã Đông Giang. Bởi Đông Giang là vùng đất gắn liền khu căn cứ cách mạng năm xưa, với địa danh Nam Sơn trung dũng đi vào lịch sử.
Có thể thấy, mỗi dân tộc được định hình bằng một bản sắc văn hóa riêng, thì ngày hội là dịp để các dân tộc thiểu số giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong cách gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của dân tộc mình. Cũng là động lực giúp bà con hăng say lao động xây dựng cuộc sống mới nơi vùng cao; đồng thời, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc.
Trang Minh