30 năm ứng phó đại dịch HIV/AIDS: HIV/AIDS sẽ bùng phát nếu chủ quan
Xã hội - Ngày đăng : 11:25, 08/12/2020
Bệnh nhân uống methadone. |
Sống 20 năm nhờ ARV
Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2020 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng, khẳng định những thành quả đạt được trong 30 năm, kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam. Gần xấp xỉ chừng ấy năm, Bình Thuận cùng cả nước chung tay phòng chống HIV/AIDS. Thay thế những màu bi quan, nỗi sợ hãi và sự phân biệt đối xử về căn bệnh thế kỷ, thì đến nay người có “H” kéo dài cuộc sống, lạc quan, không còn ám ảnh việc lây nhiễm cho người thân. Bởi ngành y tế tỉnh đẩy mạnh công tác truy tìm và vận động người nhiễm HIV tham gia điều trị. Đi cùng là hệ thống phòng chống HIV/AIDS sâu rộng khắp các tuyến, với 1 phòng xét nghiệm khẳng định HIV và 14 cơ sở xét nghiệm sàng lọc HIV phủ khắp trong tỉnh. Nhờ vậy, số trường hợp nhiễm HIV bắt đầu giảm từ năm 2010 và liên tục giảm vào những năm gần đây. Tổng số lũy tích người nhiễm HIV là 6.492 người, gồm 1.539 người có địa chỉ tại Bình Thuận, 4.879 tại Trại giam Thủ Đức, 74 người tại Trại giam Huy Khiêm. Với kết quả ấy là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân.
Tháng 8/1994, Bình Thuận ghi nhận ca HIV đầu tiên, đó là một người bán máu tại Bệnh viện đa khoa Bình Thuận. Thông qua giám sát dịch tễ, người này thuộc nhóm nghiện chích ma túy và tử vong năm 1996. Mãi đến năm 1999, Bình Thuận mới nhận được 1 loại thuốc điều trị HIV nhưng số lượng rất hạn chế, các trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS mới được sử dụng. Năm sau đó và cho đến nay, ngành y tế tỉnh tiếp nhận đầy đủ thuốc, kết hợp thông điệp K=K (Không phát hiện = Không lây truyền). Nghĩa là, điều trị ARV ngay sau khi phát hiện người nhiễm HIV đạt đến mức ức chế virus dưới ngưỡng phát hiện, thì sẽ ngăn ngừa được lây truyền qua đường tình dục. Cụ thể, trường hợp nhiễm HIV điều trị năm 2000 đến nay vẫn còn sống, đã có gia đình và có con, tuy nhiên, vợ và con đều không bị nhiễm. Đó là chia sẻ của bác sĩ Phạm Thanh Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Can thiệp vượt khó
Với kinh nghiệm phòng chống HIV/AIDS trong suốt thời gian dài, Bình Thuận đang tiếp tục ứng phó để đạt mục tiêu 90 – 90 – 90, hướng tới chấm dứt bệnh HIV/AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, trung bình mỗi năm phát hiện 70 ca nhiễm mới, chủ yếu lây qua đường tình dục. Chẳng hạn nếu năm 2019, toàn tỉnh phát hiện 70 ca nhiễm HIV mới, thì năm 2020 số ca phát hiện là 65 ca mắc mới, giảm 7,7% so năm trước, số ca mắc mới này sẽ có nhiều thách thức. Các hành vi nguy cơ diễn biến phức tạp, lây truyền qua đường tình dục tăng, đáng chú ý là gia tăng trong nhóm đồng giới. Đây là tình hình chung, không riêng gì tại tỉnh. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc phòng chống HIV/AIDS diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Với thành quả 30 năm ứng phó HIV/AIDS, thì chúng ta không được chủ quan, bởi dịch HIV/AIDS có thể bùng phát trở lại. Dịch này không thể tự mất đi nếu không được đầu tư và can thiệp”.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS, giảm số người tử vong liên quan đến AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên đi xét nghiệm HIV trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Trong thời gian này, người mẹ được phát hiện nhiễm HIV thì sẽ được điều trị ngay để >95% những đứa trẻ sinh ra không mắc bệnh. Tất cả mọi người đều có thể nhiễm HIV, hãy tự nguyện xét nghiệm HIV để biết tình trạng sức khỏe của mình. Hãy sống chung thủy quan hệ tình dục an toàn, không tiêm chích ma túy, người nghiện ma túy nên đến cơ sở điều trị methadone để được điều trị. Đặc biệt, người tiêm chích ma túy bị nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện, thì vẫn phải sử dụng bơm kim tiêm sạch và không dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích.
Trang Minh