Mùa gặt !

Đời sống - Ngày đăng : 08:47, 11/12/2020

BT- Nắng chói trên cánh đồng. Từng tia sáng len lỏi, khiến những đám ruộng càng thêm vàng óng bởi bạt ngàn lúa chín. Trong chớp mắt, chúng lần lượt được thu hoạch, tuốt hạt ngay tại chân ruộng. Mùa gặt đến, người dân Tánh Linh trở nên tất bật hơn, nhưng không còn “khổ” như trước vì đã có cơ giới hóa nông nghiệp…
                
Thu hoạch lúa.

Cánh đồng… vàng

Với trên 11.000 ha đất canh tác lúa dọc thung lũng sông La Ngà, Tánh Linh là vùng đất màu mỡ, giàu phù sa. Tuy nhiên, từ năm 1995 trở về trước, sản xuất nông nghiệp ở đây chủ yếu sử dụng nước trời, chỉ sản xuất được 2 vụ/năm. Vào mùa khô, bà con phải bỏ ruộng do không có nước tưới. Có lẽ, bước ngoặt của sự đổi thay là sau khi Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi chính thức được khởi công vào năm 1997, trở thành cơ hội lớn để phát triển thủy lợi cho vùng hạ du, đưa nước vào đồng ruộng để nông dân tăng vụ, mở rộng diện tích sản xuất. Trải qua bao năm vất vả nắng mưa, mỗi năm vào mùa gặt, Tánh Linh lại trải dài những cánh đồng… vàng, với hạt gạo thơm ngon khó cưỡng.

Lần này, tôi đến xã Bắc Ruộng, Tánh Linh đúng vào thời điểm thu hoạch lúa vụ mùa. Cách trung tâm thị trấn Lạc Tánh chừng 20 cây số, vùng đất thuần nông đập vào mắt tôi với bốn bề màu xanh của rừng, cây cối tốt tươi. Sau những ngày mưa do ảnh hưởng của không khí lạnh, hôm ấy nắng lên rực rỡ. Cả cánh đồng lúa đã chín vàng, dưới ánh nắng mặt trời lại càng thêm lóng lánh. Khắp các cánh đồng, máy gặt hoạt động hết công suất để phục vụ bà con.

Giữa trưa, tôi mượn được chiếc xe máy cà tàng của người dân, nhờ người chở đi dọc tuyến đường nội đồng từ ủy ban xã đến cánh đồng Suối Tum - Bắc Ruộng. Con đường trải đá sỏi, dưới sức nặng và mật độ qua lại của những chiếc máy cày, máy gặt và xe tải chở rơm, khiến quãng đường chừng hơn 2 cây số trở nên nhấp nhô, lồi lõm. Không quen địa bàn, lại ngồi sau xe máy lạ khiến tôi có phần nơm nớp, cố ôm chặt vào yên xe để khỏi ngã xuống đường.

Cánh đồng Suối Tum hiện ra trong mắt tôi với một màu vàng rực rỡ và hương thơm của lúa chín. Ở những đám ruộng đã được gặt, từng cuộn rơm mới được máy cuộn tròn, nằm thành những hàng dài, đang chờ xe tải tới chở đi. Thấp thoáng ở phía xa xa, những mảnh ruộng đã gặt xong, trơ gốc rạ, nông dân vội tranh thủ cầm cuốc đắp lại bờ, chờ máy cày ải đất để chuẩn bị cho vụ xuống giống mới.

Chúng tôi vào tận trong khu rẫy của anh Cáp Kim Thành, chủ của những chiếc máy gặt đang chạy miệt mài ngoài đồng ruộng. Anh Thành cũng là Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Ruộng, đang lo việc xã thì người nhà điện báo máy cày trục trặc, buộc anh về xử lý. Đứng xung quanh chiếc máy gặt ngay lúc này có mấy hộ nông dân của thôn 2 đang chờ máy đến gặt ruộng nhà mình. Trong đó, tôi nhận thấy sự nóng ruột của ông Cáp Hữu Hoàng khi 5 sào lúa đã chín của gia đình chưa kịp gặt. Đồng hồ điểm gần đến 12 giờ trưa. Nắng đã lên đỉnh đầu, nhưng ông Hoàng vẫn chưa được nghỉ ngơi. Ngồi ở ghế đá nhấp vội chén trà, nhưng mắt ông lại hướng về chiếc máy gặt bỗng nhiên “dở chứng”. Mồ hôi nhễ nhại, ông nóng ruột thốt lên: “Tranh thủ được ngày nắng ráo, 5 sào lúa đã chín rũ đang chờ gặt, mà máy lại trục trặc đột xuất, lại phải chờ đến chiều vậy”! Đứng kế bên, chị Nguyễn Thị Tám cũng đang hồi hộp, mong máy cày được sửa nhanh cho kịp xong đám ruộng còn gặt dang dở ngoài đồng…

Anh Thành là một trong những người đầu tiên đưa cơ giới hóa về xã từ năm 1998. Sau nhiều năm tích góp, gia tài hiện tại là 4 máy gặt, 3 chiếc máy cày, 1 máy cuộn… Hàng năm, cứ mỗi mùa gặt đến, gia đình anh lại bao thầu khoảng 100 ha lúa trên địa bàn xã. Anh Thành chia sẻ: Nếu tính công gặt, chở lúa về và công bốc vác, thì chi phí mỗi sào khoảng 300.000 đồng. Tuy nhiên, các hộ dân ở trong vùng lại quy ước, thỏa thuận với chủ máy gặt là không lấy tiền công, mà hoán đổi rơm tại ruộng. Nhìn những đám lúa vàng óng được máy móc thu hoạch, tuốt tại ruộng chỉ trong chớp mắt, tôi nghĩ thầm: “Làm nông thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa khác hẳn với ngày xưa”. Quả thật, tôi lại nhớ về thời điểm hơn chục năm về trước, khi cơ giới hóa nông nghiệp còn ít ỏi, nông dân trồng lúa chịu vất vả trăm bề, khi phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Để có được hạt lúa, mọi công việc đồng áng từ gieo cấy, chăm sóc đến thu hoạch đều phải làm thủ công. Vừa vất vả, vừa không mang lại hiệu quả cao. 

Lẫn lộn buồn vui

Ủy ban xã Bắc Ruộng hôm ấy đông đảo hơn ngày thường. Bởi đó là nơi được huyện chọn để tổ chức một hội thảo về giống lúa mới, nơi bàn chuyện liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân toàn huyện. Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Ruộng cũng có mặt xuyên suốt để lo chu toàn “sự kiện” lớn của xã. Ông Hải chia sẻ, năm nay xã gieo trồng gần 4.300 ha, chủ yếu là diện tích cây lương thực với tổng sản lượng thu hoạch trên 25.000 tấn, đạt 98% chỉ tiêu huyện giao. Ông Hải tin tưởng, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, sắp tới đây nông dân địa phương sẽ không phải lo đầu ra cho lúa nữa, khi có các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua với giá ổn định.

 Đó là chuyện của ngày sau, còn hôm nay, hàng chục nông dân trồng lúa của huyện lại có dịp tụ họp tại xã Bắc Ruộng. Họ khoe với nhau rằng, vụ mùa năm nay giá lúa cao hơn năm ngoái, đang ở mức khoảng 6.100 đồng/kg lúa tươi (năm ngoái khoảng 5.800 đồng/kg). Nhất là đầu ra rất dễ bán, khi số lượng các cơ sở, doanh nghiệp thu mua trên địa bàn rất nhiều.

Tuy vậy, tôi cũng cảm nhận được trong đôi mắt của những nông dân vất vả ấy, sự trầm buồn vì vụ mùa năm nay lúa đạt năng suất không cao.  Anh Nam -  xã viên HTX Gia An cầm trên tay khóm lúa bị đạo ôn cổ bông trần tình: “Nhà tôi có 1 mẫu lúa OM49, nhưng bị bệnh cổ bông, lại thêm sự phá hoại của chuột khiến năng suất chỉ được 5,5 đến 6 tạ/sào. Sau khi gặt xong, bán được 4,4 triệu đồng/sào chưa tính chi phí. Nếu trừ hết tiền phân bón, vật tư, chỉ lãi được khoảng 2 triệu đồng/sào.

Như thấu hiểu được nỗi lòng buồn vui lẫn lộn của những nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện trong mùa gặt này, ông Võ Văn Ty - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tánh Linh chia sẻ: Vụ mùa năm nay huyện sản xuất gần 10.000 ha lúa, nhưng do ảnh hưởng thời tiết, diện tích lúa vừa bị sâu bệnh nhiều, nên năng suất bình quân toàn huyện chỉ đạt khoảng 55 tạ/ha. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được khoảng một nửa diện tích và chuẩn bị đất cho vụ đông xuân tới. Ông Ty cũng tin tưởng rằng, huyện trọng điểm lương thực của tỉnh như Tánh Linh sẽ không ngừng khởi sắc, khi địa phương đang quy hoạch vùng lúa chất lượng cao với 3.000 ha, với năng suất đạt từ 60 - 65 tạ/ha, cao hơn 10 - 15 tạ/ha so với sản xuất ngoài vùng. Song song, diện tích liên kết sản xuất - tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn huyện đến nay đã đạt 1.200 ha, cũng được xem là bước đệm để địa phương phát triển ngành nông nghiệp…

Rời cánh đồng Suối Tum, tôi vẫn nghe thấp thoáng tiếng máy gặt “xoành xoạch”. Sự tất bật với đồng ruộng cũng là công việc trong thời gian này của hàng ngàn hộ dân trồng lúa ở các địa phương khác trong tỉnh. Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh sản xuất trên 42.000 ha lúa, hiện đã có khoảng 10.000 ha ở giai đoạn chín, cho thu hoạch…

Khi chia tay những người trồng lúa Tánh Linh, từng nụ cười, từng giọt mồ hôi hay chỉ là nét trầm buồn vì một vụ mùa không như mong đợi, cũng khiến tôi đồng cảm, nhớ về một tuổi thơ đã gắn liền với từng bông lúa, cọng rơm ở quê nhà mỗi khi mùa gặt đến.

 Phóng sự: KIỀU HẰNG