Nhà nước phải cải cách thủ tục hành chính trong hỗ trợ doanh nghiệp

Chính trị - Ngày đăng : 16:08, 22/11/2016

BTO - Đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Phúc – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bnh Thuận khi tham gia thảo luận Dự Luật hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại phiên thảo luận của Quốc hội vào sáng 22/11. Về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, để qui định được thống nhất và đồng bộ hơn nên qui định tiêu chí xác định qui mô của cả 3 loại doanh nghiệp là phải căn cứ vào tổng nguồn vốn và số lao động bình quân năm tương ứng với 3 loại ngành kinh tế. Theo đó, bà Phúc đề nghị để việc qui định tiêu chí mang tính liên tục và nhất quán, Luật cần có tiêu chí cụ thể đối với các trường hợp doanh nghiệp có số lao động bình quân năm 10 người trở xuống nhưng tổng nguồn vốn trên 20 tỷ thì xác định là doanh nghiệp gì? Hoặc doanh nghiệp có số lao động từ 200 người đến dưới 300 người nhưng tổng nguồn vốn của doanh nghiệp chỉ từ 20 tỷ đồng trở xuống cũng chưa được xác định thuộc qui mô doanh nghiệp nào?.
         

Từ thực tế, việc tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp đa phần được thực hiện từ các tổ chức đại diện của các doanh nghiệp (cụ thể là các hiệp hội) nên để tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện của các doanh nghiệp phát huy năng lực là đơn vị đầu mối thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần phải có qui định chính sách hỗ trợ cho các tổ chức đại diện của doanh nghiệp. Vì vậy, bà Phúc đề nghị nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy định Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, Luật cũng cần có qui định về vị trí, vai trò, trách nhiệm và nội dung tham gia hỗ trợ của tổ chức đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về các nội dung hỗ trợ cơ bản doanh nghiệp nhỏ và vừa, để các điều khoản của Luật mang tính khả thi cao, bà Phúc cho rằng các quy định đã nêu trong luật cần tiếp tục được rà soát và qui định cụ thể hơn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp có đông lao động nữ, lao động là người khuyết tật, các doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp là nữ ... có cơ hội được tiếp cận các nội dung hỗ trợ thực sự, tránh các trở ngại về giới, các rào cản và các điều kiện bất lợi cho các doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp.

Trong quản lý nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa,  hiện nay, một trong những cản trở lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải là các thủ tục hành chính. Do vậy, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động thực sự hiệu quả, công bằng, đơn giản, minh bạch, phù hợp với qui luật thị trường thì nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, nhà nước cần phải tính đến nội dung cải cách thủ tục hành chính tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Khắc Điều