Dự án cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo: Thay đổi diện mạo, vực dậy kinh tế vùng
Xã hội - Ngày đăng : 16:15, 08/03/2018
UBND tỉnh họp triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: Đ.Hòa |
Vực dậy kinh tế vùng
Nói dự án này quan trọng, bởi lẽ dự án được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh và nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ phía các địa phương có dự án đi qua.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết là một dự án thành phần trong dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Dự án này được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang - Phan Thiết. Dự án có tổng chiều dài 113 km, điểm đầu thuộc ranh giới giữa huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; điểm cuối của dự án thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam. Quy mô dự án bao gồm phần đường, cầu và hầm dân sinh. Trong đó, quy mô phần đường giai đoạn 1 sẽ là 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m; giai đoạn hoàn chỉnh sẽ là 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, bề rộng nền đường 32,25m đến 33,5m
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết nếu hình thành sẽ rút ngắn thời gian của lộ trình giữa các huyện với nhau và thậm chí là rút ngắn thời gian đi lại giữa Phan Thiết – Phan Rang hay Khánh Hòa. Về mặt địa phương, đây cũng sẽ là tuyến đường vực dậy cho sự phát triển của Tuy Phong trong tương lai gần. Về mặt chủ trương, ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất với Ban Quản lý dự án 7 về hướng tuyến dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Đồng thời, đề xuất điều chỉnh hướng tuyến tại 4 vị trí, gồm: Đoạn từ Km 137 - Km 152 chỉnh tuyến đi lệch về bên trái khoảng 100 m đến 200 m, nhằm tránh đường dây 220kV hiện hữu; đoạn từ Km 197 - Km 203 chỉnh tuyến sang bên phải cách tim tuyến cũ xa nhất 400 m, nhằm tránh di dời 4 cột điện hiện hữu; đoạn từ Km 205 - Km 212 điều chỉnh tuyến về phía tây so với phương án tuyến hiện tại khoảng 500 m giao với quốc lộ 28; đoạn Km 166 - Km 181 chỉnh tuyến thẳng hơn, rút ngắn chiều dài tuyến và không gian. Tuy nhiên, UBND cũng tỉnh đề nghị Ban Quản lý dự án 7 điều chỉnh quy mô những cầu lớn hơn 500 m phải có 4 làn đường và hầm dân sinh phải cao tối thiểu 4,5 m. Điều chỉnh nút giao thông trên tuyến ĐT.718 và tuyến quốc lộ 1A - Mỹ Thạnh; bổ sung nút giao cắt liên thông kết nối giữa các khu vực thị trấn Chợ Lầu và Phan Rí Thành, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân và nâng cấp đồng bộ các tuyến đường tại các điểm giao cắt. Như vậy, đô thị sẽ được mở ra và nâng tầm, để vực dậy phát triển kinh tế ở những vùng đang cần hồi sinh.
Thay đổi diện mạo đô thị
Là địa phương quan trọng có dự án cao tốc đi qua, ông Huỳnh Văn Điển – Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, cho rằng: Đây là dự án có ý nghĩa về mặt kinh tế và dân sinh. Phía UBND huyện sẽ có trách nhiệm tốt nhất để phối hợp với Ban quản lý dự án cũng như tỉnh tháo gỡ những vướng mắc phát sinh để dự án được diễn ra thuận lợi.
Tuy nhiên, theo phương án thiết kế, ông Nguyễn Hồng Hải – Giám đốc Sởgiao thôngvận tải cũng cho rằng, cần thiết phải thay đổi 4 vị trí ứng biến và 34 đường hầm dân sinh để đảm kết nối cho phù hợp, đảm bảo quy chuẩn liên thông. Đường hầm cũng phải đảm bảo 4 làn xe mới phù hợp với quy chuẩn. Ông Nguyễn Ngọc Hai cũng đặc biệt lưu ý với Banquản lý dự án 7: cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình thực hiện. Trong đó, các địa phương phải phối hợp với các ngành, vận động nhân dân, giúp người dân hiểu rõ hơn vai trò, ý nghĩa của dự án. Công tác đền bù giải tỏa phải công khai và minh bạch. Đây là một dự án trọng điểm, nhằm góp phần xây dựng đô thị phát triển, đưa Phan Thiết – Bình Thuận trong tương lai sẽ trở thành đô thị loại I cùng với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Việc triển khai dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, với tổng vốn đầu tư lên đến 19.000 tỷ đồng nếu đi vào cuộc sống sẽ tạo ra diện mạo đô thị mới. Hiện đại hơn, năng động hơn và đồng thời sẽ là đòn bẩy kích cầu phát triển mọi mặt.
Quang Nhân