Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận - một tư liệu quý
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:12, 28/12/2020
Đây là một tư liệu quý, không chỉ có ý nghĩa đối với Đảng bộ tỉnh, đối với các đảng viên trong toàn Đảng bộ, mà còn có ý nghĩa đối với nhân dân trong tỉnh, khi muốn tìm hiểu về lịch sử địa phương, dưới dạng biên niên, ở chặng đường 25 năm, tính từ ngày thành lập Đảng.
Với 162 trang của tập sách, Ban Biên soạn đã dành 8 trang cho phần chú thích địa danh và khái quát địa giới hành chính tỉnh Bình Thuận qua các thời kỳ. 8 trang ấy, đã giúp độc giả được gợi lại một số địa danh trong tỉnh với tên gọi trong thời kỳ 1930 – 1954, nay thuộc xã, huyện nào trong tỉnh. Việc đối chiếu ấy, giúp địa danh được đề cập, liên quan đến những phần được viết trong tập sách, vừa có ý nghĩa lịch sử, vừa có ý nghĩa văn hóa. Bởi điều ấy giúp những địa danh đã từng ghi lại những chiến công, dấu tích của ngày xưa, nay vẫn hiện hữu trong lòng độc giả các thế hệ.
Thêm nữa, độc giả được biết về địa giới hành chính tỉnh Bình Thuận qua các thời kỳ. Độc giả được biết vắn tắt: “Tên gọi Bình Thuận chính thức xuất hiện từ năm 1697” (dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu). Địa giới hành chính tỉnh Bình Thuận có rất nhiều lần được thay đổi, qua các thời kỳ, dưới triều đình phong kiến, và từ năm 1930 đến nay.
Ở tập sách lần này, lịch sử biên niên của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận được ghi lại trong chặng đường 25 năm. Lời nói đầu của tập sách đã có đoạn: “Với 146 sự kiện được trình bày theo trình tự thời gian, bắt đầu từ ngày 13/7/1930 đến đầu tháng 9/1954, tập sách phản ánh hoạt động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Bình Thuận từ lúc Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập cho đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi”.
Với 146 sự kiện đã được ghi lại trong tập sách, năm 1930 có 7 sự kiện, năm 1954 có 5 sự kiện, nhiều nhất là năm 1945 với 20 sự kiện, cùng những sự kiện ở các năm khác.
Mỗi sự kiện, Ban Biên soạn đã trình bày tóm tắt: Thời gian, địa điểm, nội dung chính, những nhân vật tham gia, đơn vị tham gia, cùng những nét vắn tắt ý nghĩa sự kiện… Mỗi sự kiện, Ban Biên soạn đều ghi rõ nguồn tư liệu được sử dụng, trích dẫn. Đó có thể là từ những sách lịch sử đã xuất bản, từ Địa chí Bình Thuận, những báo cáo của Công sứ Pháp tại Phan Thiết, từ những tài liệu tại Kho Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, những tư liệu mới sưu tập được gần đây… Việc làm ấy, thể hiện tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử, phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng của Ban Biên soạn, Ban Biên tập.
Điều ấy, giúp cho tập sách “Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận - tập 1” ra mắt lần này, có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa lịch sử cao, tạo được độ tin cậy lớn đối với những người muốn tìm hiểu lịch sử tỉnh nhà.
Một số sự kiện tiêu biểu, có thể kể: Cuối năm 1930 thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên trong tỉnh. Tháng 6 năm 1947: Bí thư xứ ủy Nam bộ Lê Duẩn từ miền Bắc vào Nam, dừng chân tại Tuy Phong.
Cuối năm 1947: Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Trung bộ phát hành tiền tín phiếu. “Do nhu cầu lưu thông, tiền tín phiếu được in tại căn cứ Ô Rô để kịp phục vụ trong tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận… Tại thị xã Phan Thiết, nhân dân vẫn chấp nhận đổi tiền Đông Dương lấy bạc Cụ Hồ để cơ sở cách mạng có tiền mua hàng hóa cần thiết trong vùng địch”.
Ngày 25 tháng 6 năm 1950: Trung đoàn 812 được thành lập. Cuối năm 1950: Tỉnh ủy Bình Thuận thành lập Khu căn cứ Lê Hồng Phong (nay thuộc các xã Hồng Phong, Hòa Thắng, huyện Bắc Bình)…
Ôn lại những sự kiện tiêu biểu theo trình tự thời gian của chặng đường 25 năm lịch sử, có ý nghĩa đối với cả những cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trực tiếp tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến, cả đối với những thế hệ sau. Cán bộ, nhân dân trong tỉnh có dịp nhìn lại những mốc đáng ghi nhớ của tỉnh nhà trong cuộc trường chinh của dân tộc, trên con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Thế hệ đã từng trực tiếp tham gia cách mạng tự hào về những ngày hào hùng, gian khổ đã qua; thế hệ tiếp nối trân trọng, giữ gìn thành quả cha anh đã gặt hái được, tiếp tục chung sức dựng xây, bảo vệ Bình Thuận, để Bình Thuận ngày một đẹp tươi, thịnh vượng.
Minh Trí